Triết` lý giáo dục của nền Cộng Hòa miền nam Việt Nam trước năm 1975 là NHÂN BẢN - DÂN TỘC - KHAI PHÓNG . Riêng viện đại học Vạn Hạnh , triết lý ấy được cụ thể hóa bằng tôn chỉ DUY TUỆ - THỊ NGHIỆP !
Viện đại học Vạn Hạnh là cơ sở giáo dục bậc đại học của giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất . Bậc phổ thông là hệ thống trường Bồ Đề ở khắp các tỉnh thành . Viện đại học Vạn Hạnh do hòa thượng Thích Minh Châu làm viện trưởng .Hòa thượng Thích Minh Châu tốt nghiệp triết học ở Ấn Độ được giáo hội mời về nước đảm nhiệm chức Tổng vụ trưởng Tổng vụ giáo dục kiêm viện trưởng viện đại học Vạn Hạnh .Năm 1966 Hòa thượng sang Paris dự hội thảo và may mắn gặp thi sĩ - triết gia Phạm Công Thiện . Hòa thượng mời Phạm Công Thiện về nước làm khoa trưởng phân khoa Văn học và Khoa học nhân văn và nhờ ông nầy xây dựng chương trình cho cả viện . Riêng tôn chỉ DUY TUỆ THỊ NGHIỆP do giáo hội đề xuất ..Bốn chữ DTTN được trích trong kinh BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC ( tám điều giác ngộ của bậc đại nhân ) .Trong 8 điều đó có một điều tối quan trọng : " Thường niệm tri túc , an bần thủ đạo , duy tuệ thị nghiệp " ( Thường nghĩ đến việc biết đủ , ở yên trong cảnh nghèo mà giữ Đạo , chỉ lấy việc đạt đến tuệ giác làm sự nghiệp đích thực cho cuộc đời của mình ). Chữ Tuệ trong tuệ giác còn gọi là trí tuệ , nói cho đầy đủ là trí tuệ ba la mật .Chữ Duy trong DTTN muốn nhấn mạnh sự duy nhất hóa , tuyệt đối hóa . Muốn có sự nghiệp đích thực cho cuộc đời mỗi người không có con đường nào ngoài con đường Tuệ giác . Đạt đến tuệ giác là một tiến trình học hỏi , tu tập , rèn luyện .
Chữ Tuệ trong DTTN có 2 tầng nghĩa . Nghĩa thông tục trong cuộc nhân sinh và nghĩa siêu việt về mặt tâm linh , giải thoát .
Khi ứng dụng vào cuộc nhân sinh , hòa nhập cộng đồng thì chữ Tuệ có thể được hiểu là sự hiểu biết , là trí thức , là giá trị tinh thần . Con người có thể thiếu thốn nhiều thứ nhưng dứt khoát không thể thiếu sự hiểu biết , thiếu trí thức ! Phật từng dạy rằng " Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là sự thiếu hiểu biết " . Sự hiểu biết , cái biết là một nhu cầu không thể thiếu . Nhu cầu hiểu biết là một nguyên động lực thúc đẩy sự phát triển về vật chất lẫn tinh thần . Chính vì vậy mà đứa bé đến tuổi ra lớp phải ôm cặp đến trường . Rồi sau đó đứa bé lại phải " học ăn, học nói ,học gói, học mở " . Và cha mẹ nào cũng muốn cho con giỏi giang , " hay chữ " ( sự nghiệp trí thức) . Bởi vì trí thức , sự hiểu biết là chìa khóa mở vào mọi cánh cửa cuộc đời .
Về nghĩa siêu việt của chữ Tuệ trong DTTN thường đi đôi với chữ giác : Tuệ giác . Tuệ giác là trí tuệ bát nhã ,trí tuệ ba la mật có công năng phá vòng vô minh , diệt trừ si mê phiền não , tà thuyết ác kiến ...Chữ giác trong tiếng Phạn gọi là Budhi - phiên âm hán tự là Bồ Đề . Budhi hay Bồ đề là con đường là đức lý , nghĩa chính là giác ngộ . Chính vì vậy mà Đạo Phật còn gọi là Đạo Bồ Đề , Đạo Giác ngộ . Sở dĩ chỉ lấy việc đạt đến Tuệ giác làm sự nghiệp đích thực cho đời mình là vì có Tuệ giác mới triệt phá vòng vô minh , phiền não để đạt tới giải thoát . Cứu cánh của cuộc đời là giải thoát ( trong cuộc sống hiện tại và kiếp vị lai ) .
Mô hình giáo dục của viện đại học Vạn Hạnh lấy DTTN làm tôn chỉ , và tôn chỉ nầy định hình , chi phối mọi tổ chức học chánh , xây dựng chương trình , quy hoạch các phân khoa , soạn giáo trình ...
Sau đây là một số nét tiêu biểu về mô hình giáo dục nầy :
- Mở những phân khoa mới để đáp ứng kịp thời cho sự phát triển của quốc gia như : Phân khoa báo chí , phân khoa xã hội học , phân khoa ứng dụng ( đào tạo kỹ sư ) , phân khoa giáo dục . Điểm táo bạo nhất là phân khoa ứng dụng đã đưa vào chương trình đào tạo kỹ sư dầu mỏ mặc dù thời đó chưa ngã ngũ về việc có hay không có dầu lữa ở thềm lục địa
- Về học chế không theo chứng chỉ chế như trường công lập mà theo chế độ năm . Đào tạo cử nhân 4 năm , mỗi năm có 2 kỳ sát hạch . Sau 4 năm sinh viên đủ 8 chứng chỉ mới làm luận văn tốt nghiệp . Chính vì vậy mà sinh viên sau khi ra trường đã được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn .
- Về chế độ học bổng dành cho sinh viên ưu tú : SV đạt hạng bình thứ trở lên trong kỳ thi bán niên được công nhận là sv ưu tú và được hưởng chế độ học bổng .
Đặc biệt là viện đại học Vạn Hạnh có tập san Tư Tưởng phát hành hàng tháng và một thiền phòng để cho các sv thực tập thiền định .
- Về phương pháp dạy và học cũng phải trung thành với tôn chỉ " DUY TUỆ THỊ NGHIỆP ". Cả thầy lẫn trò đều phải dùng " ánh sáng tuệ giác " để soi rọi vào những vấn đề được nêu ra trong giáo trình . Thầy chỉ làm công việc hướng dẫn , gợi mở , chỉ tỏ tài liệu nghiên cứu và cách nghiên cứu cho có hiệu quả . Trò không khoán trắng việc học của mình cho thầy mà tự mình tìm tòi , nghiên cứu để tự mình nghĩ , tự mình biết ,...Về phía người dạy không áp đặt , không nhồi nhét , không giáo điều ; về phía người học không học gạo , không học vẹt , cũng không quá dựa dẫm vào sách vở . Huệ Trung Thượng Sĩ trong bài thi kệ Thị học ( bằng chữ Hán ) đã ví nguồn Tuệ giác như một tia sáng của mùa xuân , chiếu tới đâu là hoa nở tới đó . Trúc Thiên dịch như sau
Mịt mù học giả hướng nào dong
Gạch ngói mài chi uổng phí công
Thôi , chớ cửa người đừng nương dựa
Ánh xuân một điểm khắp trời bông
Người đi học mà học gạo , học vẹt , y cứ vào giáo điều mà không suy nghĩ ,... chẳng khác nào mài gạch ngói để mong thành ngọc . Người học đừng quên rằng chỉ có nguồn
tuệ giác mới phá bỏ được vô minh .
Mô hình giáo dục của viện đại học vạn hạnh với tôn chỉ DUY TUỆ THỊ NGHIỆP là một mô hình giáo dục lấy con người làm gốc . tất cả mọi hoạt động giáo dục , đường hướng giáo dục , mục tiêu giáo dục , phương pháp giáo dục , ...đều vì con người , bởi con người , do con người và CHO con người ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét