Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

TRIẾT LÝ NHÂN NGHĨA TRONG BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO

         
 

           " Bình Ngô đại cáo "là bản hùng văn tuyên cáo cho toàn dân được biết cuộc kháng chiến 10 năm đánh đuổi giặc Minh ra khỏi nước hoàn toàn thắng lợi . Nguyễn Trãi chấp bút viết thay Bình Định Vương Lê Lợi nên có câu mở đầu : " Thay trời hành hóa Hoàng thượng tuyên rằng : .." Bài cáo ra đời cách chúng ta hơn 600 năm mà tính thời sự của nó như vẫn còn nóng hổi  , sống động . Đó là nhờ cách lập luận của tác giả dựa vào CHÂN LÝ XÁC TÍN của lịch sử .Ở đây là Việt sử - mà sử Việt là đấu tranh sử . Qua khảo sát lịch sử , ôn cố tri tân , tức cổ nghiệm kim ( xét xưa nghiệm nay )  tác giả đã đưa ra những luận điểm , luận cứ , luận chứng hùng hồn , xác thực và giàu sức thuyết phục . Triết lý nhân nghĩa vừa là tư tưởng xuyên suốt , vừa là phương châm hành động của nghĩa quân Lam Sơn .

     Mở đấu bài cáo , tác giả nêu cao ngọn cờ chính nghĩa :
  "  Việc nhân nghĩa cốt ở an dân 
      Quân điếu phạt trước lo trừ bạo "

Hai chữ nhân và nghĩa trong hệ tư tưởng Khổng Mạnh có ý nghĩa chung chung :  Nhân là mối quan hệ giữa con người với con người ; Nghĩa là mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng .  Trong cấu tự chữ Hán , chữ Nhân  ( )   gồm có bộ Nhân đứng và chữ Nhị . Còn chữ Nghĩa (  ) được cấu tạo từ chữ Dương với chữ Ngã  . Do ý nghĩa chung chung ấy mà nhiều triều đại phong kiến phương Bắc lợi dụng chiêu bài  nhân nghĩa để thôn tính nước ta . Chẳng hạn như chuyện Tôn Sĩ Nghị sang nước ta với chiêu bài nhân nghĩa là phù Lê diệt Trịnh  . Nếu Lê Lợi có công giành lại độc lập tự chủ cho nước nhà thì Lê chiêu Thống là tội đồ rước voi dày mã tổ , cõng rắn cắn gà nhà . Mỗi khi triều đại An Nam bị suy thoái là lúc giặc phương Bắc lợi dụng thời cơ để tiến hành chiến tranh xâm lược . Lần nầy , nhà Trần suy thoái , Hồ Quý Ly khuynh loát triều đình , giết gần bốn trăm người họ Trần để tiếm ngôi . Đây là một cái cớ để nhà Minh mượn tiếng là điếu phạt ( điếu dân , phạt tội ) hầu cướp nước ta một lần nữa .

    Nhân họ Hồ chính sự phiền hà 
  Để trong nước lòng dân oán hận 
Quân Cuồng Minh thừa cơ gây họa 
Bọn gian tà bán nước cầu vinh 

  Trong thư trả lời Phương Chính  - tướng của giặc Minh - Nguyễn Trãi lật mặt dã tâm của nhà Minh : " Nước mày nhân dịp họ Hồ lỗi đạo . mượn tiếng là " điếu dân phạt tội " kỳ thực làm việc bạo tàn , lén cướp đất nước ta , bóc lột nhân dân ta , thuế nặng , hình nhiều , vơ vét của quý , dân mọn các làng không được sống yên . Nhân nghĩa mà lại thế ư ? " . Nguyễn Trãi đã xé toang bức màn dối trá ; đâm thủng bức màn khói hư ảo lập lờ đánh lận con đen - kiểu quan hệ hữu hão giả tạo như ngày nay .

     Nguyễn Trãi đã bạch hóa vấn đề nhân nghĩa đầu môi bằng một câu khẳng định đầy quyết đoán   "Việc nhân nghĩa cốt ở an dân " . Muốn an dân phải lo trừ bạo . Không yêu dân , không lo cho sự an nguy của dân thì sao gọi là nhân nghĩa ? !
 
      Nhà Minh đem quân điếu phạt như một chiêu bài nhân nghĩa để lừa mị dân ta :
  " Dối trời lừa dân đủ muôn nghìn kế 
  Gây binh kết oán trải hai mươi năm 
 Bạt nhân nghĩa nát cả đất trời 
Nặng thuế khóa sạch không đầm núi !

  Chúng không những bắt nhân dân ta xuống biển " còng lưng mò ngọc ", lên núi " đãi cát tìm vàng " mà còn tàn hại môi sinh , tuyệt kế sinh nhai: " bẩy hưu đen ", "bắt chim trả " ," tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ "., phá nát cân bằng sinh thái , tuyệt đường sống của dân ta .
   Còn bọn bán nước và bè lũ cướp nước thì :
   Thằng há miệng , đứa nhe răng , máu mỡ bấy no nê chưa chán 
   Nay xây nhà , mai đắp đất , chân tay nào phục vụ cho vừa 

    Tội ác của giặc Minh được Nguyễn Trãi khắc họa trong câu  " trúc Nam Sơn không ghi hết tội , nước Đông Hải không rửa sạch mùi " 
   Não trạng bá quyền của các vua phong kiến phương Bắc cho đến tận bây giờ vẫn thế , nghĩa là luôn luôn cho rằng nước Nam là của Tàu - cũng như Hoàng Sa , Trường Sa là của tổ tiên chúng để lại . Nguyễn Trãi bác bỏ luận điệu đó bằng lịch sử đấu tranh của người Việt . Không có chân lý nào xác tín hơn chân lý lịch sử . Tác giả bài cáo đã khẳng định một cách đanh thép rằng chủ quyền của dân tộc Việt đã từng tồn tại qua chiều dài lịch sử . Nam triều không những tồn tại mà  còn vững vàng - ngang ngữa với Bắc triều .
   Như nước Việt ta từ trước 
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia 
Phong tục Bắc , Nam cũng khác 
Từ Triệu , Đinh , Lý , Trần xây nền độc lập 
Cùng Hán, Đường , Tống , Nguyên hùng cứ một phương 
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau 
Song hào kiệt thời nào cũng có 

   Nếu Lý Thường Kiệt tuyên bố chủ quyền dựa vào sách trời phân định rõ ràng giữa Bắc Quốc và Nam Quốc , giữa Bắc Đế và Nam Đế thì Nguyễn Trãi dựa vào văn hiến là cốt lõi của vấn đề . Nếu kể cả thời tiền sử thì dân Việt ta có đến năm nghìn năm văn hiến . Văn là vẻ đẹp của văn chương học thuật ...nói chung là văn hóa . Còn Hiến là chủ thể của văn hóa vừa tạo ra vừa bảo tồn văn hóa . Đó là nguồn nguyên khí hiền tài bất tận . Chính vì hào kiệt thời nào cũng có nên nền văn hiến trường tồn bất diệt . Phong tục tập quán cũng góp phần làm nên bản sắc của dân tộc Việt . Chính cái nền văn hiến lâu đời đó mà bao nhiêu lần bị Bắc thuộc dân ta cũng không bị Hán tộc đồng hóa . Trái lại , có khi người Hán còn bị Việt hóa : Hoa kiều ở Việt Nam đã nhập quốc tịch Việt , lấy vợ Việt , theo phong tục Việt , góp phần phát triển đất nước . Điển hình như Mạc Cửu ở Hà Tiên , người Minh Hương ở Hội An , Chợ Lớn ,..Sự tồn tại chủ quyền của dân tộc Việt sóng đôi với sự tồn tại của phương Bắc : Phương Bắc có Hán , Đường , Tống , Nguyên thì phương Nam ta có Triệu , Đinh , Lý , Trần . Đó là sự tồn tại ngang hàng bình đẳng giữa các quốc gia dù lớn dù nhỏ . Não trạng bá quyền nước lớn đã ăn sâu vào tâm não của các nhà cầm quyền Trung quốc , xem các nước lân bang là chư hầu ; xem vua của chư hầu là cống thần có nhiệm vụ triều cống cho thiên tử .

      Quốc hiệu Đại Việt có từ thời vua Lý Thánh Tông . Theo nhận định của nhà bác học Hoàng Xuân Hãn : " Lý Thánh Tông là vua ta đầu tiên có óc lập ra một đế quốc có danh hiệu ngang với một nước thiên tử , đặt quốc hiệu là Đại Việt ..." . Từ đó mở ra một kỷ nguyên mới với tinh thần dân chủ rộng mở , dung nạp được cả Nho , Phật , Lão . Chất Đại Việt được nhà Trần bảo lưu , kế thừa . Nguyễn Trãi là cháu ngoại của nhà Trần .Ngay từ nhỏ , Nguyễn Trãi đã được hấp thụ , di dưỡng chất Đại Việt . Chất Đại Việt ấy được đâm hoa kết trái vào đầu nhà Lê .
   Thắng lợi của cuộc kháng chiến mười năm đuổi giặc Minh là nhờ vào tinh thần đoàn kết nội tại trong dân chúng .Truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm từ xưa tới nay nhờ vào lòng dân , ý dân ,rồi tạo ra  sức dân . Một khi sức dân đủ mạnh nó " kết thành một làn sóng vô cùng to lớn có thể nhấn chìm cả bè lũ bán nước và cướp nước "  ( Hồ Chí Minh ) 

        Nguyễn Trãi viết cáo bình Ngô theo tinh thần túc cổ nghiệm kim . Vì vậy ngày nay con dân Việt nên đọc bài cáo cũng trên tinh thần ấy . Bởi không có chân lý nào xác tín hơn chân lý lịch sử . Lịch sử chứng minh chủ quyền của nước ta đã phải trả giá bằng xương máu của bao cuộc chiến tranh vệ quốc chống ngoại xâm phương Bắc . Quan hệ Việt Trung muôn đời chỉ là hữu hảo giả tạo . Bài cáo mở đầu bằng cách đề cao nhân nghĩa , mà nhân nghĩa là làm cho dân được an cư lạc nghiệp , bảo đảm an sinh xã hội , Muốn được như vậy trước hết phải trừ gian diệt bạo , phải "làm sao trong thôn cùng xóm vắng không một tiếng oán sầu " .
   Mở đầu bài cáo là   " việc nhân nghĩa cốt ở an dân " và kết thúc bài cáo là "nền thái bình muôn thuở " !

2 nhận xét:

  1. Luận điểm "không có chân lý nào xác tín hơn chân lý lịch sử" tự thân nó dã được Nguyễn Trãi sử dụng nhuần nhuyễn trong cáo bình Ngô. Còn kết luận "Quan hệ Việt Trung muôn đời chỉ là hữu hão giả tạo" không phải là một hệ quả lô gích của luận điểm trên mà chỉ là một luận cứ trong quá trình minh chứng luận điểm trên thì hơn. Không rõ ràng trong chỗ này thì sẽ làm hỏng thái độ chính trị của Bình Định Vương Lê Lợi:
    "...
    Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng
    Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh
    Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc.
    Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run.
    Họ đã tham sống sợ chết mà hoà hiếu thực lòng
    Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.
    ...."


    Chống giặc:
    "...
    Thế trận xuất kỳ, lấy yếu chống mạnh,
    Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều.

    Trọn hay:

    Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
    Lấy chí nhân để thay cường bạo.
    ..."


    Mong lắm thay.

    Trả lờiXóa
  2. Câu bạn trích sau đây không phải là luận điểm của bài viết : "Không có chân lý nào xác tín hơn chân lý lịchsử " và vì vậy câu " QUAN HỆ VIỆT TRUNG MUÔN ĐỜI CHỈ LÀ HỮU HẢO GIẢ TẠO "không phải là luận cứ gì cả. Như vậy bạn đã nhầm ngay từ khởi điểm. Còn về thái độ chính trị như tha cho giặc,tạo phương tiện cho giặc tháo chạy lại là một khía cạnh khác (luận điểm khác ) không nằm trong giới thuyết của bài viết này!

    Trả lờiXóa