Thứ Năm, 4 tháng 7, 2019

NGÀY ẤY ...

     Ngày ấy đã trôi qua gần 1/2 thế kỷ . Ngày ấy vì thời cuộc tôi đành lìa xa ngôi trường Trần Quý Cáp thân yêu . Ngày ấy vào những năm 60 , tôi đang theo cấp học phổ thông đầy ắp những kỷ niệm khó quên của thời niên thiếu ; những dấu ấn khó phai của lứa tuổi trở mình làm người lớn , lớn xác nhưng chưa đủ khôn ... Đặc biệt với Thầy Dương Ngọc Tạo , " ngày ấy " của tôi vớiThầy đã trở thành huyền thoại đối với tôi trong suốt quãng đời sau khi rời trường trung học . Chính Thầy đã khơi nguồn chỉ lối cho tôi con đường tư duy đa phương , trái chiều . Thầy tôi cũng như những người làm giáo dục thời ấy đều đi theo đường hướng khai phóng rộng mở . Riêng đối với môn Văn , vấn đề nào không giải quyết được trong chính khóa thì Thầy đưa qua ngoại khóa thường là dưới hình thức thuyết trình . Nhớ một lần , Thầy đã giao cho tôi thuyết trình về vấn đề CAO BÁ QUÁT , CÁCH MẠNG HAY PHẢN LOẠN ? Đó là câu chuyện mà cũng là kỷ niệm khó quên trong đời tôi .

    Ngày ấy tôi đang học lớp đệ tứ . Trước một trọng trách được Thầy tín nhiệm giao phó , tôi không thể không hoang mang lo sợ . Nhưng sau đó tôi bình tâm trở lại khi nhớ tới lời khuyên của Decartes : " Có phương pháp thì dù không có tài năng cũng làm được việc ". Công việc đầu tiên là tôi đến nhà Thầy học phương pháp lập văn bản thuyết trình . Am hiểu toàn bộ ý nghĩa của đề tài là vấn đề nan giải nhất . Đó là việc mà tôi phải tự mình làm tự mình hiểu rồi tự mình trình bày một cách thuyết phục trước lớp . Muốn tìm hiểu thấu đáo vấn đề Thầy bảo tôi phải chẻ nhỏ thành nhiều câu hỏi :
   - Khái niệm cách mạng là gì ? ( theo quan điểm đông và tây )
   - Phản loạn là gì ?
   - Tư tưởng của  Cao Bá Quát
   - Tình hình chính trị xã hội đương thời
   - ...

     Sau khi ở nhà Thầy về tôi bắt mình phải triền miên suy tư về các vấn đề trên bất kể đang làm công việc gì ! Vấn đề nào chưa hiểu tường tận tôi tra cứu tài liệu tham khảo . Trước mặt tôi là hai chồng sách tham khảo do các bạn cung cấp theo chỉ đạo của Thầy . Nếu không làm tròn phận sự tôi cảm thấy có lỗi với Thầy tôi và phụ lòng các bạn của tôi . Sự thành công của buổi thuyết trình này tùy thuộc vào sự hô ứng , tâm truyền giữa Thầy và trò . Bản thân tôi theo gơi ý của Thầy ,  cũng mượn ở thư viện một số tác phẩm của các tác giả như : Phạm văn Diêu , Phạm Thế Ngũ , Dương Quãng Hàm , Nghiêm Xuân Hồng , Nguyễn Mạnh Côn .  Một lần nữa tôi được Thầy giảng sâu sắc về một trang sử triều đại nhà Nguyễn  -Tự Đức - thời Cao Bá Quát .
 Đó là :
   - Cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương do Lê Duy Cự cầm đầu và Cao Bá Quát làm quân sư xảy ra dưới thời Tự Đức .  Cao Bá Quát ra đời Khi Vua Gia Long đã vững vàng nghiệp đế . Ông vua này có công đưa giang sơn về một mối ; thống nhất lãnh thổ nhưng chưa thống nhất được nhân tâm .
  - Đất nước hòa bình nhưng chưa thái bình ! Ấy là do chính sách phân biệt Bắc Nam  và sự trả thù hèn hạ với nhà Tây Sơn . Đến thời Minh Mạng , Thiệu Trị , nhờ có văn học và biết vận dụng tư tưởng Tống Nho nên đất nước có phần ổn định về nội trị song do vụng về trong đối ngoại nên mắc phải những sai lầm trầm trọng .
  - Đó là chính sách " bế môn tỏa cảng " và giết hại giáo dân . Đến thời Tự Đức thì chẳng những không cải cách được gì mà còn bảo thủ lạc hậu nữa . Ngay việc Tự Đức lên ngôi cũng là mầm mống " huynh đệ tương tàn " , " nồi da xáo thịt " . Theo di chiếu của Thiệu Trị thì Hồng Bảo là  con trưởng được nối ngôi nhưng Hồng Nhậm cải di chiếu và lên ngôi lấy hiệu là Tự Đức . Hồng Bảo là người có tư tưởng tiến bộ , có óc duy tân , có chí hướng giao thương với Tây phương , gây thanh thế trên vũ đài quốc tế lại bị Hồng Nhậm  ( Tự Đức ) giam cho đến chết  .   -Trong 36 năm trị vì ( 1847- 1883) , Tự Đức không làm được gì ích nước lợi dân mà còn làm mất từng phần lãnh thổ và làm cho dân khổ trong vụ xây " Vạn niên cung " . Tự Đức là một ông Vua nhu nhược , ích kỷ , đớn hèn . Khi tướng Hoàng Kế Viêm dâng sớ xuất quân , Tự Đức phê vào sớ : " Nay chiến tranh , mai lại chiến tranh , chiến tranh hoài mà không thắng thì còn đất đai mô cho mẹ con Trẩm ở " .
   - Tự Đức suốt ngày xướng họa văn thơ với các cận thần dua nịnh , bỏ mặc cho quan lại đục khoét công quỹ ; hoàng tộc lộng hành . Đời sống của lương dân càng ngày càng trở nên bức bách , bần cùng , đói khổ. Giặc cướp nổi lên tứ tung.
   -  Trong tình hình đất nước lầm than như vậy buồn thay cho một số người được mệnh danh là kẻ sĩ vẫn cúc cung phụng sự cho triều đình vì bà lợi danh . Chẳng phải " hễ ra khỏi bụng mẹ là có vua để thờ " . Vua thì cũng có hôn quân . Đâu phải lúc nào cũng " sắp hai chữ quân thân mà gánh vác " . Điển hình cho loại trí thức này là Nguyễn Công Trứ - người sống đồng thời với Cao Bá Quát . Cao Bá Quát có tư tưởng tiến bộ , có tầm nhìn chiến lược về tương lai đất nước , có tâm huyết canh tân đổi mới .
 
    Thông thường những cá thể đột biến như Cao Bá Quát không chịu ép mình theo lề thói của xã hội vạch sẵn mà luôn luôn muốn thoát ra khuôn khổ và vươn lên tìm chân trời mới . Đó là nguyên động lực để tiên sinh gia nhập cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương . Khởi nghĩa Mỹ Lương thất bại , cả dòng họ của Cao Bá Quát bị tru di tam tộc . Riêng Cao tiên sinh bị bắt bỏ củi đem về kinh để chịu  hành hình  . Các sử thần của vua thảy đều cho đây là cuộc phản loạn . Ngay cả Trúc Khê Lê Văn Triện ( làm việc ở Viễn Đông Bác cổ ) cũng dựa vào sử sách mà cho rằng khởi nghĩa Mỹ Lương " là việc cuồng vọng của nhà văn sĩ họ Cao bất đắc chí chứ không phải là việc do một cái tư tưởng cách mạng sản sinh ra ".
     Nếu cho rằng cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương chưa đầy đủ ý nghĩa để gọi là cách mạng thì hành động của Cao Bá Quát xuất phát từ tư tưởng cách mạng , từ  một tấm lòng với dân với nước . Tấm lòng đó được bộc bạch trong bài thơ ( * ) chữ Hán được diễn xuôi như sau :
    Ta sinh ra vốn không phụ với nước non này 
   Trời đất vô tình với ta không biết bao nhiêu nữa 
   Vĩnh biệt buồn nghe khúc ca Nam phố 
   Về làng nên đọc bài ca khải hoàn 
   Nước cũ ngàn năm còn lại tinh túy thiêng liêng 
  Một bước ra đi khách anh hùng uống nhiều hận 
   Lạy tạ miếu đường suốt ngày cảm động 
   Cây lá xưa vẫn như cũ nở cành hoa ngày nay 


  Đây là một văn liệu hiếm hoi do cụ Ngô Tất Tố phát hiện và đăng trong " Văn học tạp chí " ( 1939) .

  Nhà phê bình văn học Phạm văn Diêu đã thấu hiểu được tấm lòng của Cao Chu Thần bằng nhận xét : " Thật đáng trách cái chế độ hà khắc , trong giai đoạn suy vong lại càng ác liệt  đến không dung dưỡng một tâm hồn mẫn tiệp , ham sống - đó cũng là cái sống bền bĩ , muôn đời mà cũng là những gì tiêu biểu cho quyền sống con người nghìn thuở hướng vươn lên" .

     Trên đây là phần khái quát nội dung văn bản thuyết trình . Bước tiếp theo là học thuộc văn bản và bước cuối cùng là tập diễn thuyết . Nhờ lời khuyên của cụ Nguyễn Hiến Lê trong cuốn " Nghệ thuật nói trước công chúng " nên tôi vừa đi vừa trình bày văn bản trong một rừng thông vắng vẻ suốt mấy ngày liền và kết quả mỹ mãn . Buổi thuyết trình diễn ra song suốt . Cử tọa chăm chú lắng nghe , thảo luận sôi nổi , tranh luận nảy lữa .
    Cũng với đề tài này , sau khi tổ chức thuyết trình thành công tại lớp Tứ 3 của tôi , Thầy Dương Ngọc Tạo tổ chức thuyết trình mẫu cho cả khối đệ tứ . Mỗi lớp cử một số học sinh ưu tú tham gia để học tập rút kinh nghiệm về tổ chức cho lớp mình !
  Điều thú vị hơn nữa là cũng đề tài đó và cùng nội dung văn bản đó , tôi thuyết trình một lần nữa tại giảng đường phân khoa Văn khoa & và khoa học nhân văn Viện Đại học Vạn Hạnh dưới sự tổ chức của giáo sư Doãn Quốc Sỹ . Doãn Quốc Sỹ là là một nhà văn kiêm giáo sư đại học , được viện ĐH Vạn Hạnh mời giảng dạy giáo trình văn học và những vấn đề văn học .

      Sau hai sự kiện trên tôi đã càng trở nên dạn dĩ , hùng biện từ " ngày ấy " - cái ngày được Thầy Dương Ngọc Tạo khai thông , mở lối đi trên con đường nghiên cứu . Sự học phải gắn liền với nghiên cứu ; không nghiên cứu thì chưa thể nói là học !
 Dumas Père có một câu nói trứ danh : " Khi lớp học của con đã mãn thì sự học của con mới bắt đầu " . Thầy Dương Ngọc Tạo giống như một thiền sư lựa cho đúng  lúc nhân duyên thời tiết truyền tâm ấn , giao cho đệ tử một thoại đầu, để cho đệ tử tự mình vén mở chân lý !


Chú thích :
  ( * ) Khi đoàn giải tù đi ngang qua làng Bố Vệ ( Thanh Hóa ) Cao Bá Quát chợt trông thấy đền Vua Lê Thái Tổ bèn xin vào miếu để tế tam sinh . Trước linh vị của Vua Lê Thái Tổ , Cao Bá Quát cảm xúc ứng khẩu đọc bài thơ cảm động này !

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2019

NHÂN ĐỌC BÀI THƠ " XƯỚNG CA VÔ LOÀI " CỦA NHÀ THƠ THÁI BÁ TÂN

      XƯỚNG CA VÔ LOÀI
Một người bắt người khác
Tâng bốc mình đến trời
Là biểu hiện thấp kém,
Ngoi mãi chửa thành người.
Thằng Ủn là như vậy.
Thế mà ở nước ta
Một ca sĩ xúc động
Khi được hắn tặng hoa.
Bắt hát thì đành hát,
Vì mình là ca nô.
Hát xong thì nên biến,
Còn mở miệng làm trò.
Hay không lẽ không biết
Rằng bàn tay trao hoa
Dính máu người vô tội,
Cả máu người trong nhà?
Người nghệ sĩ chân chính
Không phụng sự độc tài.
Vì đó là thân phận
Của xướng ca vô loài.
*
Cô, nghệ sĩ của đảng,
Không phải của nhân dân.
Hãy đem danh hiệu ấy
Khoe với đảng, nếu cần.

   Thái Bá Tân là một nhà thơ , nhà văn , nhà dịch thuật được rất nhiều người ngưỡng mộ . Thơ của ông là thơ thế sự viết bằng thể thơ 5 chữ . Nguồn mạch cảm xúc của bài thơ trên xuất phát từ cảm xúc lạc loài , khác lạ của một nữ ca sĩ " vẫn chưa hết xúc động khi bất ngờ được Kim Jong Un tặng hoa , sau khi cô hát khúc ca " Đam mê" bằng tiếng Triều Tiên . Cô còn cho biết " đã hát nhiều lần trong nhiều cuộc tiếp đón nhiều nguyên thủ quốc gia nhưng chưa bao giờ đong đầy cảm xúc như hôm nay . Cảm xúc đặc biệt này đã truyền cảm hứng cho nhà thơ Thái Bá Tân sáng tác bài " xướng ca vô loại " .

       Nhân có cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều về giải giới hạt nhân , tổ chức tại Hà Nội , chủ tịch Bắc Hàn mới có dịp tới Việt Nam . Chủ tịch VN chào mừng  bằng một tiệc quốc yến . Chương trình văn nghệ có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ , trong đó có ca sĩ Thái Bảo - người hát ca khúc " đam mê bằng tiếng Triều Tiên " . Ngay cái tựa đề bài thơ cũng đủ làm cho người đọc tò mò ngạc nhiên lẫn thắc mắc . Bởi cụm từ xướng ca vô loại từ lâu đã trôi vào quên lãng...Ngược dòng lịch sử , loại hình ca hát , diễn xướng đã xuất hiện vào thế kỷ thứ III. Đến đời vua Lý Thái Tông được công nhận là bộ môn nghệ thuật . Rồi đến đời Vua Lý Thánh Tông bộ môn này không những phổ biến trong dân gian mà còn được trọng vọng trong chốn cung đình . Thế nhưng vào thời hậu Lê độc tôn Nho giáo ( do bọn ngụy Nho chủ trương ) cho rằng những người xướng ca , diễn tấu không nằm trong 4 nghề ( sĩ , nông , công , thương ) nên gọi là "vô loại " . Bọn Vua quan ngụy Nho nhà Lê rẻ rúng , coi khinh cả dòng họ , con cháu của những người này . Họ còn liệt những người ca hát , diễn tấu vào hạng cờ bạc , rượu chè , ác nghịch ,... nên cấm đi thi , không được lấy người quyền quý . Từ đó , dần dần dân chúng  bị ảnh hưởng nên có thói quen ác cảm với người làm nghề ca hát . Sau này , xã hội ngày càng rộng mở , phóng khoáng và bộ môn nghệ thuật sân khấu ngày càng phát triển và được tôn vinh .
   Một lý do khác ngoài lý do không có tên trong 4 nghề là việc đóng  vai " treó hèo " trên sân khấu : hôm nay đóng vai cha , ngày mai đóng vai chồng , ngày kia đóng vai con , vv... nên bị gọi là " vô loại " !
 Có lẽ tựa đề bài thơ " xướng ca vô loại " của tác giả Thái Bá Tân nằm trong ngữ nghĩa thứ hai này . Về phương diện nghệ thuật , việc nhập vai đóng giả là điều kiện cần và đủ . Vì nghệ thuật mà các nghệ sĩ phải nhập nhiều vai , có khi trai giả gái , khi thì gái giả trai , .. Nhập vai rồi phải diễn sâu mới hay . Ca sĩ Thái Bảo đã nhập vai người con dân của Bắc Hàn , của 3 đời lãnh tụ họ Kim khi hát ca khúc " Đam mê " ! Cô hát quá hay nhờ cô diễn sâu khiến Kim Jong Un ngồi xem xúc động ra mặt . Và sau đó ông ta đã tặng hoa ca sĩ với lời cảm ơn !
    Điều khác thường là khi rời khỏi sân khấu mà cô vẫn CÒN MANG THEO VAI DIỄN . Nên Thái Bá Tân phải khinh ghét :
        " Bắt  hát thì đành hát 
          Vì mình là ca nô 
          Hát xong thì nên biến 
          Còn mở miệng làm trò "
 
Ca sĩ Thái Bảo đã đạt danh hiệu " Nghệ sĩ Nhân dân " và hiện là ca sĩ của nhà hát ca múa nhạc VN . Tên tuổi của cô luôn gắn liền với nhiều ca khúc " cách mạng " . Gọi cô là văn công  hay ca nô thì cũng thế thôi ! Đã là văn công thì phải hát theo chỉ thị của tuyên giáo . Chỉ có những nghệ sĩ chân chính mới có được những hoạt động văn nghệ tự do , chân chính . Nghệ sĩ chân chính là những nghệ sĩ không bán mình cho ai cả - không nhận lệnh của ai trong sinh hoạt sân khấu - chỉ hát bài mình thích , diễn vai mình thích !
     
          Người nghệ sĩ chân chính 
          Không phụng sự độc tài 
          Vì đó là thân phận 
           Của xướng ca vô loài 

   Phụng sự độc tài , suy tôn kẻ ác , tụng ca cái xấu , ... thuộc về thân phận của kẻ tự đánh mất chủ quyền bản thân . Hàng triệu người dân Bắc Triều Tiên bị đói rách trong khi lãnh tụ , quan chức cao cấp thì chẳng những no thừa mà  lại còn có cả 1 lữ đoàn nữ binh xinh đẹp " phục vụ niềm vui " ! Những vụ thanh trừng , xử tử đẫm máu từng diễn ra  ở Bắc Hàn lẽ nào cô ca sĩ Thái Bảo lại không biết ! Vậy hà cớ gì lại " vẫn chưa hết xúc động " , " vẫn đong đầy cảm xúc " khi được lãnh tụ này tặng hoa ?!
     Ca sĩ Thái Bảo mang danh là Nghệ sĩ Nhân dân mà lại gần Đảng hơn gần dân . Phải gọi cô là ca sĩ của Đảng mới đúng . Gọi cảm xúc của cô là cảm xúc lạc loài là vì vậy  !

            " Cô , nghệ sĩ của Đảng 
             Không phải của nhân dân 
             Hãy đem danh hiệu ấy 
             Khoe với Đảng , nếu cần  "

Thân phận của xướng ca vô loài cũng như thể mệnh của giới Văn nghệ sĩ nói chung thật là chông chênh , chìm nổi . Nếu bảo vệ chính kiến , lên tiếng chống bất công , độc tài thì dễ gặp phiền hà , nguy hại . Còn nếu buông mình  làm công cụ ru ngủ quần chúng thì chịu mang tiếng ca nô , văn nô ...

 Phàm ở đời , để độ nhật mưu sinh phải có một nghề . Nghề nào cũng tốt quý hồ giữ được cái đạo , cái hạnh của nghề đó . Không có nghề xấu chỉ có con người làm cho nghề xấu . Thông điệp của bài thơ phải chăng muốn nhắc nhở mọi người hãy làm chủ bản thân , đừng đánh mất chủ quyền bản thân để rồi cam tâm làm nô lệ !
           


Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

SỐNG TRONG HIỆN TẠI

                                                                      Phạm Đạt Nhân 
                                                           
                                           Không tại là không ở đây 
                                         Tự tại là ta có mặt ở đây bây giờ 
                 

 Chào mừng lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn , ta hãy lắng lòng " Hành thâm Bát Nhã " thực hành chánh niệm để được an vi tự tại . Bởi vì Bồ Tát Quán Thế Âm còn có danh hiệu là Quán Tự Tại Bồ Tát Tâm tự tị cũng là tâm chánh niệm . Sống trong chánh niệm tức là sống trong hiện tại - bây giờ và ở đây -

   Trạng thái tâm lý của ta thường hay bị phóng tâm chạy theo một cái gì đó hoặc để tâm dong ruổi về miền quá khứ xa xôi . Tâm như vậy gọi là tâm bất tại hay vọng tâm . Từ đó chúng ta thường " ở không yên ổn , ngồi không vững vàng " - đi như bị ma đuổi - sống say chết mộng ! Ấy là vì tâm không chánh niệm . Cứ nhìn dòng người giao thông trên đường phố , ai nấy đều căng thẳng , hối hả ,...Vì sao như vậy ?Phải chăng vì họ tập trung tâm trí vào điểm đến ( sở làm , điểm hẹn ,..) mà ít khi ý thức chú tâm đoạn đường mình đang đi . thật ra đi cũng hạnh phúc như đến  Muốn hưởng hạnh phúc trên đường đi thì tâm phải chánh niệm  . Chánh niệm là trạng thái tâm lý không bị phân tâm , không thất niệm hay vọng niệm . Chữ VỌNG được cấu tự bởi chữ vong ( mất ) và chữ tâm . Còn chữ NIỆM  được cấu tự bằng chữ  kim ( hiện tại ) và chữ tâm . Tâm thường trú trong hiện tại gọi là tâm tại . Tâm thất tán gọi là tâm bất tại . Chánh niệm là điều tâm về với hiện tại . Phàm làm bất cứ chuyện gì mà không ý tứ , bị phân tâm thì cũng thất bại  . " Tâm bất tại yên thị nhi bất kiến , thính nhi bất văn  , thực bất tri kỳ vị " ( Tâm không tại thì nhìn mà chẳng thấy , nghe mà không hiểu , ăn mà chẳng biết mùi vị ) .
    Sống trong tỉnh thức là sống trong chánh niệm , an trú trong từng phút giây của hiện tại . Nếu không như thế là sống say chết mộng . Tiếp xúc sâu vào hiện tại mới thực sự cảm nhận được sự nhiệm mầu của cuộc sống , mới thưởng lãm được vẻ đẹp của đất trời : một áng mây trôi , một bông hoa nở , một cánh chim bay ,...Nghe và nhìn trong chánh niệm thì mọi âm thanh , mọi hình ảnh nào cũng ươm đầy sức sống diệu kỳ !
 .Thông thường ta không an trú trong hiện tại mà hoài vọng một quá khứ xa xăm hoặc dự phóng một tương lai xa vời .. Trong truyện Kiều có hai câu thơ mô tả trạng thái phân tâm của Kiều :
   Tưởng bây giờ là bao giờ 
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao 
  Mở mắt ra rồi mà mà vẫn không biết mơ hay thực
  Quá khứ đã đi qua .Tương lai chưa đến .Hiện tại có ở đó mà không biết là thật hay không thật . Khi ta chớp mắt một cái thì cái chớp mắt liền đi vào quá khứ . Và khi chưa chớp mắt thì nó còn nằm ở tương lai . Heidegger đã nói : " Thời gian tính là yếu tính của thời gian khi tương lai đi vào quá khứ đúng lúc nó vừa tới hiện tại " . Vậy hiện tại người ở đâu ? Ở trong những khoảnh khắc mà ta thật sự sống một cách an nhiên tự tại
  Có người hỏi Thiền sư Thiền Lão :
 " Hòa Thượng ở núi nầy bao lâu rồi ?
 Thiền sư trả lời :
"Đản tri kim nhật nguyệt
Thùy thức cựu xuân thu "
Sống hôm nay biết hôm nay
Còn xuân thu trước ai hay làm gì )
Lại hỏi : Ngày ngày hòa thượng làm gì ?
Trả lời :Thủy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
            Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân
   ( Trúc biết hoa vàng đâu ngoại cảnh 
   Trăng trong mây trắng hiện toàn chân )
 Khi tiếp xúc sâu vào hiện tại cuộc sống thì tất cả pháp đều là phật pháp . Tâm rỗng , lặng thì Phật tính hiển lộ :
            Nghìn trùng có nước nghìn trăng hiện 
           Muôn dặm không mây muôn dặm trời 

 Có một nhà thơ đã cảm nhận sâu sắc được tính nhân duyên giữa tâm và cảnh bằng những vần thơ sau :
        Bởi vì mắt thấy trời xanh
       Cho nên mắt cũng long lanh màu trời 
       Bởi vì mắt thấy biển khơi
       Cho nên mắt cũng xa vời đại dương

 Bốn câu thơ nói lên sự tương duyên tương hợp giữa tâm và cảnh : Mắt có thấy được màu thiên thanh của da trời thì màu trời mới long lanh trong mắt; bởi vì mắt có phóng ra xa tầm đại dương  dịu vợi thì mắt mới đong đầy sát hải biếc xanh ngàn trùng .
   
     Đối với quá khứ ta có thể nâng niu hoài niệm chứ không thể sống mãi với nó được vì nó trôi chảy tương tục như một dòng nước. Ta không thể tắm hai lần trong một dòng sông . Đối với tương lai ta có thể hoạch định rất đẹp các dự án để khỏi bị động vì " ai không lo xa ắt có buồn gần . Dù vậy cũng không thể sống với tương lai vì nó chưa đến . Nghĩ và chuẩn bị cho tương lai là việc làm khôn ngoan nhưng nếu ta chỉ biết có tương lai thì chẳng khôn ngoan chút nào . Một nhà văn Nga đã nói : " Chúng ta phải sống chứ không phải chuẩn bị sống ". Sống thật sự là sống trong mỗi phút giây hiện tại bây giờ và ở đây .
 Có một mẫu đối thoại thú vị của hai mẹ con bàn về vấn đề hạnh phúc .
 Charles Black- một chính khách và cũng là nhà ngoại giao người Mỹ thành công cả ngoài đời và trong gia đình , thuở nhỏ một lần hỏi mẹ :
" Mẹ đã bao giờ hạnh phúc nhất ?"
Bà mẹ trả lời :
 " Ngay lúc bây giờ đây "
- Thế trước kia mẹ có hạnh phúc không ?
- Trước kia là trước kia ;  khi trước mẹ đã hạnh phúc . Giờ đây mẹ cũng hạnh phúc . Chúng ta chỉ có thể thật sự sống khi chúng ta đang sống . Vì thế với mẹ lúc nào cũng là giây phút hạnh phúc nhất .
   
       Vậy , phải chăng  :
            Quá khứ thì đã đi qua 
          Tương lai chưa đến biết là về đâu 
           Chi bằng hít thở cho sâu 
          Sống trong hiện tại nhiệm mầu phút giây !

                                                                                             




Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2018

NGHĨ VỀ PHƯƠNG TIỆN VÀ CỨU CÁNH

  Cứu cánh biện minh cho phương tiện là mệnh đề được lập đi lập lại như một châm ngôn hành động . Nếu cứu cánh biện minh được cho phương tiện thì hóa ra tất cả mọi phương tiện đều tốt ( Tous les moyen sont bon )?!

   Phương tiện ví như con đường đưa ta đến cùng đích . Cũng như đạo là con đường dẫn đến thánh triết . Cứu cánh của việc tu trì , hành đạo là giải thoát . Hành giả muốn đạt đến trạng thái NIẾT BÀN TỊCH DIỆT thì phải đi trên tám con đường CHÁNH  ( bát chánh đạo ) . Vậy giữa phương tiện và cứu cánh có một tương quan mật thiết . Phương tiện tốt mới đạt mốc tốt . Đôi đũa là phương tiện gắp thức ăn đưa vào miệng ; nếu đũa bẩn thì mục đích cuối cùng của việc ăn uống sẽ không tốt . Bàn tay là phương tiện để làm biết bao nhiêu việc ; nhưng nếu với BÀN TAY BẨN ( main sale) thì chỉ tạo ra ác nghiệp .
   Suy rộng ra trong cuộc nhân sinh , để được tồn tại , duy trì sự sống ai ai cũng phải có một nghề để sinh nhai . Nghề nghiệp được coi như phương tiện để độ nhật mưu sinh . Tự thân của nghề không xấu chỉ có con người hành nghề xấu ! Nghề nào cũng có cái ĐẠO  của nó - xưa gọi là ĐẠO NGHỆ . Làm nghề mà không giữ đạo của nghề thì dù có tồn tại cũng không trở thành người đúng nghĩa !
Nghề làm chính trị   vốn dĩ là nghề cao quý vì nó ảnh hưởng đến vận mạng ủa quốc gia , dân tộc . Làm chính trị mà sai lầm sẽ đưa cả dân tộc xuống vực thẳm !Sai lầm lớn nhất trong chính trị là dùng phương tiện bẩn : LỪA MỊ , DỐI TRÁ  với dân , ĐÀN ÁP , KHỦNG BỐ , THỦ TIÊU ... các thành phần đối kháng !

    Làm khoa học , nghiên cứu phát minh , sáng chế những tiện ích cho đời sống . Đạo đức lương tâm của nhà khoa học là làm sao bảo đảm được yếu tố an toàn - khi phát hiện sản phẩm có lỗi kỹ thuật hoặc sai sót có nguy cơ gây tai nạn  cho người tiêu dùng thì phải tức tốc thu hồi ngay !
  Nghề làm thầy thuốc mà không có y đức thì dễ trở thành kẻ sát nhân có bằng cấp !
 Làm kinh tế mà không có tài vạch ra kế sách phát triển bền vững thì chỉ làm xâm hại môi trường , làm ô nhiễm môi sinh ; đã không kinh bang tế thế mà còn đưa đất nước trở thành yếu kém nghèo đói!

      Vậy thì , luận điệu cho rằng  mọi phương tiện đều tốt  cho một cứu cánh  nào đó , là hồ đồ , lấp liếm , bao che cho hành động thiếu lương thức . Với bàn tay bẩn , phương tiện bẩn ...sẽ không bao giờ có kết cục sạch . Không thể đem cứu cánh để biện minh cho phương tiện ; vì cứu cánh nào cũng mang dấu tích của phương tiện ! Vả lai , cứu cánh hay mục đích tối thượng còn ở phía trước ...

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

KHỔ NHI TRI


               "Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió 
             Cũng chỉ trong vòng bể thảm thôi "
      Chúng ta xuôi ngược trong cuộc đời chẳng khác nào chiếc thuyền đơn độc ngược xuôi trong bể khơi .Trừ những bậc thấu thị , đạo gia ..tất cả chúng ta khôn dễ gì ngộ ra rằng :" đời là bể khổ " . Không ít ai đó một lần đối mặt với một nỗi khổ đau cùng cực , khốn khó ê chề - tử biệt sinh ly , sa cơ thất thế , bức bối cùng đường ,...
 Do khốn khổ mà ngộ ra lẽ đời , lẽ đạo thì hẳn đó là khổ nhi tri .

   TRI không có nghĩa đơn thuần là BIẾT mà còn có nghĩa là NGỘ , là GIÁC , là THỰC CHỨNG . khốn nhi tri hay khổ nhi tri là khốn khổ cùng cực mà ngộ ra chân lý cuộc đời :" đoạn trường ai có qua cầu mới hay " ( Nguyễn Du ). Sinh nhi tri là cái biết nhờ thiên bẩm - sinh ra đã biết - của bậc thượng trí . Học nhi tri là cái biết của hạng bình thường - học mà biết -  Còn khổ nhi tri là cái biết do khốn cùng khổ sở mà ngộ ra chân lý thứ nhất trong 4 chân lý : KHỔ, TẬP , DIỆT , ĐẠO .
 Thấy , biết được sự thật khổ đau ( khổ đế ) mới tìm hiểu nguyên nhân gây ra khổ đau ( tập đế) và từ đó tìm kiếm con đường tu tập để hóa giải nguyên nhân gây ra khổ đau ( đạo đế ) và cuối cùng đạt thành tựu an lạc ( diệt đế ) . Nói "ĐỜI LÀ BỂ KHỔ " vì có muôn vàn nỗi khổ trong cuộc sống thường nhật : khổ do sinh , lão , bệnh , tử ; khổ do cầu mà không được , khổ do yêu mà phải xa , khổ do ghét mà phải gần ,..vv.. Tất cả những khổ đau đều giống nhau ở chỗ gây ra phiền não . Cảnh ngộ khổ đau giống nhau khi người trong cuộc buông xuôi để cho buồn đau , phiền não tha hồ gặm nhấm , tàn hại thân tâm . Vì không hiểu quả đời này là nhân của đời trước nên để khổ đau đè trên thân phận ; lại đâm ra hờn cha oán mẹ , than trời trách đất .
     Đã mang lấy nghiệp vào thân 
  Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa "
Đã là định nghiệp thì không thể thay đổi được số phận nhưng có thể chuyển hóa bằng thái độ của người trong cuộc . Thái độ tích cực nhất là chấp nhận thực tại khổ đau một cách kham nhẫn và chịu đựng . Nhờ khổ mà giác ngộ được lẽ vô thường và vì thấy được vô thường mà chấp nhận vô ngã . Vô ngã tức là mọi sự vật trên đời vốn không có tự tính , nhờ duyên vào nhau mà hiện hữu : Cái này có thì cái kia có ; cái này không thì cái kia không . Từ khổ đi đến vô thường , vô ngã là một tiến trình tâm : Thấy , biết , sáng , đạt . Nói gọn lại là KHỔ NHI TRI !
   Tu trong đạo Phật chính là rèn luyện trong đau khổ ( khổ tu ) . Chính vì vậy mà các Thích tử ( con Phật ) tự xưng là bần tăng . Thân bần chứ đạo không bần . Khổ đau , khốn đốn là nghịch cảnh của người tu . Tu trong nghịch cảnh chẳng khác nào trong nồi lửa bỏng mà chuyển thành kim cang bất hoại . Hoa mai kia phải chịu cái rét buốt của những đêm đông giá mới tỏa được hương thơm ngát vào mùa xuân .
   "Chẳng trải một phen xương lạnh buốt 
  Hoa mai đâu dễ ngát hương đưa "

   Khổ nhi tri là cách giáp mặt cuộc đời , chấp nhận khổ đau để nhận ra chân lý . 
  Để xây dựng nghiệp đế cho nhà Trần , Trần Thủ Độ bất chấp mọi thủ đoạn , làm những việc thương luân bại lý như ép Trần Thái Tông ( Trần Cảnh ) cháu ruột của mình lấy chị dâu là vợ của Trần Liễu - đang mang thai . Trần Cảnh đau khổ , chán ngán nên bỏ cung điện ngôi báu , đang đêm vượt sông Bình Than lên chùa Hoa Yên  trên núi Yên Tử xin thiền sư Phù Vân cho xuất gia . 
Thiền sư hỏi : Bệ hạ đến đây làm gì ? 
Nhà vua nói : Ta đến đây để chỉ cầu làm Phật , không làm gì khác  ( duy cầu tác Phật , bất cầu tha Phật ) .
  Thiền sư khuyên vua : Bệ hạ nên trở về cung để thực hiện ĐẠO trong ĐỜI . Trong núi không có Phật . Phật ở trong tâm . Tâm yên tỉnh mà giác ngộ ấy là chân Phật . 
Nhà vua ngộ ra và trở về cung tích cực chăm lo việc nước !
Xem ra trong cảnh đau khổ mà bị bức ép nên nhà vua đã giác ngộ được điều thứ nhứt trong 8 điều giác ngộ của bậc đại giác . 
   
    Lý Huệ Tông bị Trần Thủ Độ ép nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng  ( Vợ Trần Cảnh ) nên cũng  vào chùa xuống tóc đi tu . Thủ Độ thấy Huệ Tông đang nhổ cỏ ở sân chùa buông lời bóng gió " nhổ cỏ phải nhổ tận gốc " . Lý Huệ Tông  ra sau chùa treo cổ tự tử . Tiếc cho Lý Huệ Tông đã vào chùa , đã xuất gia đầu Phật mà chưa " đắc thành ư nhẫn " cho nên khổ mà vẫn chưa ngộ ra lẽ đời lẽ đạo !

  Trong truyện Kiều của Nguyễn Du , Thúy Kiều đã trải qua " Mười lăm năm ấy biết bao là tình " , biết bao điều tủi nhục ,...cuối cùng đã ngộ ra : " tu là cội phúc , tình là dây oan " . Trong buổi Kim Kiều tái hợp , cả nhà đều khuyên Kiều chắp nối mối tình dang dở với chàng Kim nhưng Kiều một mực chối từ và xin lập một am tranh sau vườn để tu cho hết kiếp phong trần . 
    
      Nhờ quá khổ đau mà nàng Kiều mới ngộ ra được " tình là dây oan " và " tu là cội phúc "!

     Như vậy , khổ đau nghịch cảnh mới là bậc thang cho người trí dũng nhưng là vực thẳm cho kẻ yếu mềm . Đối mặt với khổ đau cuộc đời để giác ngộ được chân lý chính là khổ nhi tri !  
Cùng một ý trên , thi sĩ Pháp Alfred De Musset cũng đã nói :
"Rien ne nous rend si grand qu'une grande douleur "
(Không có gì làm cho ta trở nên cao đại bằng một nỗi khổ đau khôn cùng ! ) .


  

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

LÃNH ĐẠO QUỐC GIA PHẢI LÀ MỘT HIỀN TRIẾT


      Platon - triết gia Hy lạp - cho rằng một LÃNH ĐẠO QUỐC GIA PHẢI LÀ MỘT HIỀN TRIẾT . Platon cách chúng ta gần 3 ngàn năm song tư tưởng của ông có lẽ vẫn không hề cũ trong thời đại của chúng ta .
      Theo quan niệm của Platon , một hiền triết lãnh đạo phải hội đủ 3 điều kiện tâm lý :
1/ Lòng nhân đức công chính ( Justice )
2/Sự khôn ngoan ( Sagesse)
3/ Lòng can trường dũng lược ( courage )
Quan niệm trên gần giống với quan niệm " Nội thánh ngoại vương " của đông phương cổ đại . Cổ thời , một người thánh thiện hoàn hão đòi hỏi phải có 3 tác dụng tinh thần : lý trí , tình cảm , ý chí . Lý trí là sự khôn ngoan hiểu biết ; tình cảm là lòng yêu thương con người , yêu thiên nhiên ...; còn ý chí là hành động do lương thức mách bảo khác với hành động mù quáng kiểu duy ý chí .
Lịch sử của những thời đại hoàng kim đã xuất hiện những nhà lãnh đạo hiền triết đã đưa đất nước và dân tộc họ đi đến bến bờ văn minh thịnh vượng . Ấn Độ có Thánh Gandhi , Singapore có Lý Quang Diệu , Nhật bản có Minh Trị Thiên Hoàng , Anh Quốc có Churchill , Hoa kỳ có Jefferson , Donald Trump , ....
Việt Nam thời Lý Trần đặc biệt các vị vua đầu nhà Lý trong số đó có vua Lý Thánh Tông . Trong con người của vua Lý Thánh Tông có đầy đủ 3 tác dụng tinh thần là Ý , TÌNH ,CHÍ . Theo nhận định của nhà bác học Hoàng Xuân Hãn thì vua Lý Thánh Tông là " Vua ta đầu tiên có óc lập một đế quốc với danh hiệu ngang với một nước thiên tử , đặt quốc hiệu là Đại Việt ..." . Theo Việt sử lược , Vua Lý Thánh Tông từ thuở thiếu thời đã thông kinh truyện , sành âm luật , sở trường về vũ lược . Vốn sẵn tư chất thông minh lại mẫn cảm với thời thế , nhà vua biết chọn một mô thức xã hội , một định chế chính trị đáp ứng nhu cầu về CÁI TOÀN DIỆN phù hợp với nguyện vọng của quần chúng nhân dân . Nhu cầu thiết yếu của dân tộc ta lúc bấy giờ là THỐNG NHẤT Ý CHÍ ĐỂ HÀNH ĐỘNG trong hoàn cảnh khắc nghiệt : Bắc đánh Tống , Nam bình Chiêm . Nhà lãnh đạo quốc gia thời ấy vừa tích cực hành động vừa thiết lập cái toàn thể nhất quán để hướng dẫn hành động . Muốn có được cái toàn thể nhất quán không thể chọn một bỏ một mà phải dung thông dung nhiếp mọi luồng tư tưởng khác biệt . Tinh thần Tam giáo đồng nguyên là giải pháp tối ưu cho sự sinh tồn và phát triển của đất nước . Các khoa thi tam giáo đã tuyển chọn được biết bao hiền tài , làm phong nhiêu cho nguyên khí quốc gia . Bản thân của nhà vua vừa làu thông kinh truyện của Nho gia , vưa am tường tư tưởng uyên thâm của Lão giáo ,vừa thấm nhuần giáo pháp của nhà Phật . Đặc biệt là nhà vua không độc tôn một loại tư tưởng nào . Mọi tư tưởng trái chiều đều được quy về một chỗ , trăm cách nghĩ khác nhau đều thống nhất cùng nhau ( Đồng quy nhi thù đồ , nhất trí nhi bách lự ) . Đó là nền chình trị đa nguyên đầu tiên xuất hiện sớm nhất trong lịch sử tư tưởng Việt Nam . Nhà vua vốn là con nhà Phật song vẫn đề cao tư tưởng tu - tề - trị - bình của Nho gia . Xem ra tam giáo đồng nguyên , vạn pháp nhất lý là căn nguyên ý thức hệ dân tộc thời Lý . Ý thức hệ này bén rễ từ THIỀN HÀNH ĐỘNG của thiền sư Vạn Hạnh . Theo tôn chỉ của thiền hành động , Vạn Hạnh thiền sư nhập cuộc tích cực vừa lo đạo , vừa lo đời , vừa nhập định theo lồi thiền tông , vừa tụng chân ngôn theo lối mật tông ; vừa hành động , vừa thiết lập cái toàn thể nhất quán để hướng dẫn hành động ; vừa xuất , vừa xử , vừa đi ra thiên nhiên vừa đi vào sinh hoạt quần chúng ; vừa giúp đời vừa giữ được KHÔNG lý .
Nhờ có lòng nhân đức , công chính mà vua Lý Thánh Tông đã đề cao chính sách ÁI DÂN , HUỆ DÂN , THÂN DÂN . Thay vì dùng hình luật để trấn áp , trừng trị như các hôn quân bạo chúa ,Lý Thánh Tông đã đem lòng yêu thương để giáo hóa con dân . Sách sử đã ghi lại một câu chuyện : Nhân một năm rét đậm , Vua Lý Thánh Tông bảo các quan hầu cận rằng:" Trẩm ở trong cung ngự, sưởi than thú , mặc áo hồ cừu mà còn rét thế này huống chi những tù phạm giam trong ngục phải chịu trói buộc , cơm không có đủ ăn , áo không có đủ mặc ; vả lại có người xét hỏi chưa xong , gian ngay chưa rõ , nhỡ rét quá mà chết thì thật là thương lắm". Nói rồi vua truyền lấy chăn chiếu phát cho tù nằm và mỗi ngày cho 2 bữa ăn . Nhà vua từng bảo các quan tòa rằng " Lòng trẫm yêu dân như yêu con trẫm vậy . Hiềm vì trăm họ ngu dại làm càn phải tội , trẫm lấy làm thương lắm . Từ này về sau tội nào cũng phải giảm nhẹ bớt đi ".
Và sau cùng là lòng can trường dũng lược . Vua Lý Thánh Tông đã từng thân chinh đi đánh dẹp giặc Chiêm quấy nhiễu ở bờ cõi phương Nam . Cuộc chiến dai dẳng , gian khổ và đầy hiểm nguy nhưng nhà vua vẫn kiên trì để đạt thắng lợi cuối cùng .
Tất cả những thuộc tính kể trên của một hiền triết lãnh đạo suy cho cùng đều xuất phát từ lý tưởng cao đẹp - từ tấm lòng yêu nước thương dân! ,

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2018

Hồ Ngọc Đại , một nhân vật hiển dị hoặc chúng

   
    Giáo sư Hồ ngọc Đại đã từng gắn chặt đời mình với GD. Ông đã bỏ cả tuổi xuân để sang học ở Liên Xô ( cũ ) rồi đến Trung Quốc làm nghiên cứu sinh , học tập nghiên cứu khoa công nghệ GD ( công nghệ GD thực nghiệm ). Sau 1975 , ông về nước tổng kết công trình nghiên cứu và mở trường tư thục thực nghiệm công nghệ GD - mà cái chính là dạy đánh vần kiểu mới . Bốn mươi năm sau , chương trình thử nghiệm mới được thẩm định và chính thức gia nhập chương trình hiện hành ( đã được cải cách từ năm 2000).
    Non 40 năm âm thầm lách luật , nay vừa công khai bạch hóa với bộ sách Tiếng Việt 1 , bỗng bị dư luận phản ứng dữ dội . Phản ứng về nội dung sách và phản ứng về những câu phát ngôn kỳ lạ chưa từng nghe trong lịch sử GD !

   Trong thiên hạ có những cuồng sĩ nói ra những điều kỳ lạ , quái gỡ, cố tình tạo ra cái mới gọi là cách tân ( thật ra là chỉ làm mới cái cũ ) gọi là lập dị để mê hoặc người đời . Trong nhà Phật cũng có loại sư " hiển dị hoặc chúng " . Nay trong giáo dục cũng có một ông giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng nói ra như thế !
Trong nhiều phát ngôn có sắc thái sấm ngôn , huyền bí , giáo sư Hồ Ngọc Đại đã làm dư luận choáng ngợp , kinh hoàng .

 -  Hồ Ngọc Đại nói :" Trẻ con phải học những thứ chưa ai được học . Giáo dục hiện đại là làm sao trở thành chính nó , không noi gương ai ". Thật là tù mù khó hiểu ! Những thứ CHƯA TỪNG CÓ  là thứ mà NHÂN LOẠI CHƯA HỀ CÓ  chăng ? Cái ham muốn TRỞ THÀNH CHÍNH NÓ  cũng là không tưởng . Hữu thể ( con người cũng như vạn vật ) vốn dĩ không có tự tính . Tính thể vốn là không . Hiện thực vừa trở thành  tính thể lập tức tự hủy diệt ngay để một thể tính khác tựu thành . Liên lỷ và miên tục . Cho nên trở thành chính nó hay gì gì thì cũng sẽ tiếp tục trở thành . Hạt mầm phải được phá vỡ thì cây mới ra cây .

- Hồ Ngọc Đại nói :" Nhiều người hiện nay thường dạy con theo kiểu noi gương các bậc thánh hiền , còn tôi thì không . Bởi nó là NỀN GD ĐẦY ẢO TƯỞNG " ( Ông còn nói không được đem quá khứ để dạy lớp trẻ ). Cách nói này mặc nhiên phủ nhận truyền thống , hủy hoại văn hóa . Trong khi GD là một trong nhiều nội hàm của văn hóa và có nhiệm vụ kép với văn hóa . Văn hóa lại là phần hồn của một nước . Văn hóa cũng là văn minh và cũng là GD . Đối với văn hóa GD có nhiệm vụ kép :" GD vừa xây dựng văn hóa cho ngày mai thụ hưởng , vừa vun bồi kế thừa truyền thống văn hóa của ngày hôm qua . Nói gọn là xây dựng cái mới và vun bồi , kế thừa cái cũ .
   Ý mới rút từ kinh nghiệm cũ
   Mai tàn lưu lại chút hương xưa
( "Nhậm vận tự sinh kim nhật ý
  Hàn hoa chi tác khứ mai hương" )

  Thánh hiền , tiền bối , biểu trưng cho thiện lành , biểu tượng chân , thiện , mỹ . Không noi gương họ thì noi gương ai? Miếu Khổng Tử nào cũng có thờ " thất thập nhị hiền ". Một nền GD đoạn tuyệt quá khứ mới là ảo tưởng !

- Hồ Ngọc Đại nói :"Phụ huynh KHÔNG ĐƯỢC CAN THIỆP  vào việc học của con cái ". Phát ngôn này xóa bỏ nguyên lý GD kết hợp với gia đình và xã hội . Thật ra vai trò của phụ huynh quan trọng không kém vai trò của Thầy Cô trong việc dạy trẻ . Đặc biệt là vai trò của người mẹ . Tiếng Mẹ đẻ là tiếng nói từ thuở nằm nôi . Mẹ còn di dưỡng tâm hồn của trẻ từ lúc còn thơ ...

   Hồ Ngọc Đại còn nói rằng 4 thời kỳ khoa học tiến bộ là : 1.0 hơi nước ; 2.0 máy nổ ; 3.0 máy tính ; 4.0 máy NGHĨ .
 Như ông nói thì vô tình ông ta đã xem con người là một cỗ máy !
Nói đến dạy học là nói đến cách nói làm sao cho người cho con người ta hiểu . Dạy mà nói nhiều quá , nghĩ xa vời quá , ... sẽ biến trẻ thành cụ non - cũng như già mà còn ấu trĩ !

  Công bằng mà nói , gs Hồ Ngọc Đại nặng lòng với lý tưởng GD , đã từ chối quan quyền nguyện làm thầy giáo dạy lớp 1 . Ông muốn đem lại niềm vui hạnh phúc cho trẻ bởi kiến thức là tri thức vui ( Savoir gai - Nietzsche ). Nhưng nhược điểm của ông là nói nhiều hơn làm . Những phát ngôn của ông cọng với phong cách trịch thượng của ông đã không phù hợp chút nào với một nhà giáo dục !
  Nguy hiểm nhất là não trạng tự cho mình vĩ đại , tự cho mình là vĩ nhân . Trong cấu tự chữ Hán có chữ XÚ  được cấu tự bằng chữ TỰ  và chữ ĐẠI .
 Đây cũng là bài học cho những trí thức khoa bảng mang thói HỌC PHIỆT !