Sư tử là vua của các giống thú , mạnh mẽ , can đảm , oai nghiêm , mau lẹ , quyết đoán hơn các giống thú khác . Vì vậy nên các kinh giáo của nhà Phật thường ví Phật với sư tử , và tiếng thuyết pháp của Phật được ví như tiếng hống của con sư tử . Nếu tiếng gầm tiếng hống của con sư tử làm cho liệt não của các loài thú dữ thì pháp âm của Phật có thể hàng phục thiên ma , phá tan tà thuyết ác kiến . Chân lý của Đức Phật từ ngày được khai phá vén mở cách nay hơn 2500 năm , có thể bị hoài nghi , báng bổ bởi chính những người trong tăng đoàn , giáo đoàn của ngài ; cũng như con vi trùng trong thân của sư tử làm hại nhục thân của sư tử . Khi các tu sĩ không giữ nghiêm giới luật thì uy tín của đạo Phật sẽ xuống cấp . Nhất là vào thời mạt pháp , Phật giáo không còn là đạo giáo mà chỉ còn là hình thức tôn giáo . Và lúc bấy giờ giáo quyền sẽ rơi vào tay của thế quyền .
Trong thời gian gần đây , qua các nguồn thông tin mạng , báo đài đã phơi bày tình trạng của nhiều vị sư phá giới . Xin đơn cử một số trường hợp sau đây :
- Trường hợp của những thượng tọa đại đức tham gia các hoạt động chính trị như đại đức Thích Thanh Cường . Đại đức Thích Thanh Cường là ủy viên nghi lễ trung ương , chánh văn phòng Phật giáo tỉnh Hải Dương có lập trang Facebook . Trên trang cá nhân ông đăng hình bản thân mặc áo tràng , đội mũ công an và chào theo kiểu quân đội . Nội dung trên fb còn có đăng bài hát " Như có Bác Hồ " nhân kỷ niệm ngày 30/4 . Và hình ảnh đại đức đại diện Phật giáo trao cờ cho bí thư tỉnh đoàn Hải Dương trong chương trình " Tô thắm màu cờ " ( tất cả 10 lá , mỗi lá 12 triệu ).
- Trường hợp Thượng Tọa Thích Thanh Quyết với tư cách là đại biểu quốc hội lên án những người đấu tranh cho nhân quyền , dân chủ , ca ngợi nền an ninh chính trị , ca ngợi ngành công an và dùng từ "đồng chí" để gọi công an như là một cán bộ thực thụ .
Ngoài ra còn một số trường hợp phá giới :
- Một chú tiểu ở chùa Huỳnh Kim (Gò Vấp ) ham vui đi theo trang điểm cho các cô gái dự thi hoa hậu VN
-Một ni cô ở Quảng Ninh đi thi " Việt Nam Idol "
-Một thầy tăng đi xem ca nhạc nổi hứng lên sân khấu và xin được hôn môi ca sĩ
Một số ni cô ở chùa Pháp Hải ( Bình Chánh ) hóa trang mặc quân phục trình diễn văn nghệ trong mùa " an cư "
-..vv..
Tệ hại hơn nữa lại có sư vừa phạm giới vừa phạm pháp như mượn tiền tỷ của Phật tử đem sổ đỏ của nhà chùa đi cầm . Có sư đánh người , dời tượng gổ và thay tượng gỗ bặng tượng mới đúc giống mình . Có sư phạm giới dâm dục , rồi giết người ...
Tất cả những sự vụ trên đây đã gây ra hậu quả gì và bắt nguồn từ nguyên nhân nào ?
Về mặt hậu quả thì đã rõ : Phật tử thì hoang mang dao động , lòng tin Phật thì bị xoáy mòn lung lay mất hướng ; uy tín của tăng đoàn bị tổn thương , kẻ xấu có cơ hội báng bổ bôi nhọ .
Thế còn nguyên nhân nguyên ủy của sự vụ trên là gì ?
Trước hết ta có thể xếp có ba loại sư:
* Một là loại vốn chân tu có tâm nguyện dấn thân nhập thế nhưng vì chưa đủ nội lực nên bị đời tục hóa .
* Loại thứ hai là xuất gia đầu Phật với mưu toan mượn đạo tạo đời chứ không phải phát " Bồ đề tâm " .
* Còn loại thứ ba là do thế quyền đặt để con người vào giáo hội để khuynh loát , định hướng giáo hội đi theo con đường của mình .
Cả ba loại trên đều được xem là giấy bạc giả của nhà chùa .Theo giáo pháp của nhà Phật thì Phật pháp không lìa Thế gian pháp . Cả hai pháp giới nầy không lìa nhau như hai mặt của một đồng xu , như cùng một ly nước chanh - khuấy lên thì đục để lắng thì trong . Vì vậy cũng không thiếu những nhà tu hành chân chính vì tâm nguyện " tự độ , độ tha" mà phải dấn thân nhấp thế như thiền Sư Vạn Hạnh thời Lý . Sống trong hồng trần để thánh hóa cuộc đời mà không bị cuộc đời tục hóa . Thế nhưng môi trường văn hóa , tình trạng xã hội của Việt nam hiện tại đã tạo ra nhiều nghịch cảnh cho việc hoằng dương chánh pháp . Đó là tình trạng bất ổn trong xã hội : kinh tế khủng hoảng , tội phạm gia tăng .., đặc biệt quá nghèo nàn về văn hóa tâm linh . Bây giờ người ta tôn thờ chủ nghĩa kim tiền , chủ nghĩa thực dụng , coi đồng tiền có sức mạnh vạn năng . Thâm chí có người cho rằng bây giờ người ta tôn thờ chủ nghĩa tồn tại thú vật . Những thắc mắc siêu hình , những băn khoăn khắc khoải về những vấn đề tâm linh , những trầm tư về lẽ sống chết nhường chỗ cho những mưu cầu toan tính để thỏa mãn những nhu cầu sở hữu , nhu cầu quyền lực , nhu cầu lợi ích , nhu cầu trở thành người nổi tiếng ... Các bậc thang giá trị tinh thần bị đảo lộn . Sự băng hoại của xã hội đã xâm thực vào mảnh đất của nhà trường và len lõi cả vào chốn già lam tịnh xứ . Đó là một trong những nguyên nhân sâu xa gây ra tình trạng bát nháo , quái gỡ trong giới tu hành đã nói ở trên .
Một nguyên nhân nữa không kém phần quan trọng là trong con mắt của nhà cầm quyền thì Phật giáo đơn thuần chỉ là một tôn giáo , một tín ngưỡng . Thật ra , ngoài hình thức tôn giáo , cốt tủy của đạo Phật là nguồn TUỆ GIÁC LỚN ( đại trí tuệ ) và một nguồn YÊU THƯƠNG LỚN ( đại từ bi ) . Tình yêu và trí tuệ của đạo Phật có khả năng giúp cho chính quyền chọn một con đường sáng , hóa giải mọi hận thù và sai biệt , mang lại hạnh phúc cho dân tộc . Vì coi đạo Phật chỉ đơn thuần là một tôn giáo nên nhà nước muốn chính trị hóa giáo quyền và thế tục hóa giáo hội . Từ đó sản sinh ra " SƯ QUỐC DOANH" , GIÁO HỘI QUÓC DOANH . Đúng ra giáo quyền và thế quyền là hai thực thể tách biệt , không cần can thiệp vào nhau nhưng có thể giúp nhau về phương diện tâm linh , đạo đức . Ngày xưa Lý Thái Tổ giúp Phật giáo xây dựng chùa tháp tự viện ; ngược lại Sư Vạn Hạnh với tư cách là quốc sư chỉ bày cho vua về đường lối kinh tế , văn hóa , đạo đức và chính trị . Vua không kiểm soát giáo hội và thiền sư cũng không nhận một trách vụ gì trong guồng máy chính trị . Ngày nay các vị xuất gia lại bị mời làm đại biểu quốc hội , thành viên hội đồng nhân dân các cấp , vv... Đây là nguyên nhân khiến cho các nhà sư đánh mất oai nghi tế hạnh của người xuất gia . Ngày xưa cái lễ của quốc vương và cái lễ của pháp vương được phân định rạch ròi . Pháp vương không phải thi lễ đối với quốc vương . Có một câu chuyện thú vị như sau :Vào đời Tống ,Vương Tử nước Cao Ly là Nghĩa Thân sang Trung Hoa tìm hiểu Phật giáo Hoa Nghiêm Tông . Vua Tống sắc chỉ cho người đi đón rước trọng thị . Nghĩa Thân đến đâu thì đoàn rước rầm rộ đến đó . Nhưng khi đến Kim Sơn , thiền sư Phật Ấn chỉ ngồi mà tiếp nhận cống nạp . Dương Kiệt ngạc nhiên hỏi Phật Ấn , Phật Ấn đáp : " Nghĩa Thân là Vương tử nước ngoài , nhưng luật của người xứ ta không phân biệt biên vực quốc gia , do đó không vì Nghĩa Thân là vương tử được triều đình tiếp đãi như như khách mà sư phải theo cách tiếp đãi của triều đình . Triết Tông biết việc đó rất khâm phục thái độ của Phật Ấn . Về sau vua mang chiếc áo của Cao Ly tặng cho Phật Ấn .
Phật giáo không có giáo quyền như nghiêm minh Ki- Tô giáo , vì bản chất của đạo Phật là nặng tính tự giác giác tha . Ngay từ thời đức Phật còn tại thế , chỉ có tăng đoàn , giáo đoàn chứ không có giáo hội .
Nếu nhìn đạo Phật như một đạo giáo , một triết lý nhân sinh , một cứu cánh giải thoát thì ta vẫn còn thấy có nhiều bậc chân tu đang âm thầm tu tập thiền định , trì chú tụng kinh niệm Phật , sống một cuộc đới phạm hạnh . Ngay cả những cư sĩ tại gia vẫn còn nhiều người chuyên tâm dịch kinh , trước tác làm giàu cho văn hóa Phật giáo .
Trong một xã hội vàng thau lẫn lộn khó phân biệt được đâu là chân tu đâu là giả tu . Những giấy bạc giả của nhà chùa là những con vi trùng đục khoét thân thể của con sư tử . Chúng đã , đang làm mất uy tín của giáo hội ; làm mất niềm tin của phật tử .
Trong thời mạt pháp khó mà tránh được pháp nạn . Phật giáo không chỉ là một tôn giáo mà còn là một đạo giáo . Đã là đạo thì không bao giờ mất . Mất chăng là lòng người mất đạo . Đức Khổng Tử nói : " Đạo không xa người , chỉ có người làm cho đạo xa người ấy chẳng phải là đạo . " .Những giấy bạc giả của nhà chùa đã làm cho người xa đạo nhưng không thể thủ tiêu được đạo , không thể làm tắt tiếng gầm của con sư tử chánh pháp .
Sư tử hống hề phương thảo lục
Tượng vương hồi xứ duyệt hoa hồng !
đạo giáo thời mạt pháp chỉ còn là hình thức thì tôn giáo là nơi để kẻ tà gian mượn đạo tạo đời
Trả lờiXóaTâm ý đồng , ý ấy đồng . Cảm ơn bạn !
Xóabạn này hay quá
Xóahạt hạnh nhân
Xin cho hỏi Đức Khổng Tử có từng là chính trị gia không ?
Trả lờiXóaBài viết sâu sắc, ý nghĩa!
Trả lờiXóaBài viết rất hay và ý nghĩa
Trả lờiXóa