Quan tâm chính trị để làm gì ?
Thuật ngữ triết học gọi tên những câu hỏi như thế là loại câu hỏi trùng phức . Câu hỏi trùng phức là loại câu hỏi thừa , lẽ ra không cần phải hỏi . Một câu hỏi thường chứa một phần ba câu trả lời .; còn câu hỏi trùng phức tự nó đã có sẵn câu trả lời . Trừ những người sống trên hoang đảo , hoặc những đạo sĩ ẩn tu trong rừng sâu , không ai không quan tâm chính trị . Lý do là chính trị dính chặt vào sự tồn sinh của mỗi công dân và của toàn dân tộc .
Không ít người có chủ kiến " không quan tâm không dính dấp đến chính trị "hoặc " chính trị là của chính khách , thường dân quan tâm làm gì ? " Những quan điểm trên chứa mâu thuẫn nội tại . Bởi vì ai ai cũng muốn sống yên ổn , cũng muốn " ổn định chính trị " , nhưng lại thường thờ ơ tránh né những gì xảy ra chung
quanh mình . Chính trị đơn giản là những sự kiện , những biến động ,...xảy ra trong cuộc sống quanh ta . Những sự kiện biến động đó tuy chưa ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân ta song có nguy cơ làm thay đổi cục diện của đất nước . Sự thịnh suy của đất nước chắc chắn có ảnh hưởng đến mọi công dân . Gần đây xảy ra nhiều sự kiện , những biến động mang yếu tố Trung Quốc làm chấn động dư luận như nguồn nước sông Mê Kông bị chặn ở đầu nguồn dẫn đến nước ở đồng bằng miền tây nam bộ bị nhiểm mặn ; bùn đỏ ở Tây nguyên tràn ngập , mạch ngầm bị nhiểm độc ; thuyền đánh cá của ngư dân bị tàu Trung Quốc đâm chìm ; cá chết hàng loạt ở biển miền Trung ,đài phát thanh ở một số tỉnh thành bị nhiễu sóng phát tiếng Trung Quốc ; phán quyết của toà án quốc tế về đường lưỡi bò , vv...Những sự kiện biến động trên đều có liên quan đến chính trị . Chính trị chi phối hoàn toàn cuộc sống của mỗi cá nhân . Nói đến chính trị là nói đến chính phủ chính quyền , chính thể , hành chính , định chế , đạo luật , thông tư nghị định , vv...Cuộc sinh tồn của mỗi công dân gắn liền với sự sinh tồn của dân tộc ; và sự sinh tồn của dân tộc bảo đảm cho sự sinh tồn của mỗi cá nhân trong cộng đồng dân tộc . Bởi thế cho nên hễ nước mạnh thì dân giàu , nước mất thì nhà tan . Làm một công dân dù quan tâm hay không quan tâm chính trị thì vẫn bị chính trị chi phối từng ngày từng giờ - trong hiện tại và cả trong tương lai con cháu chúng ta .
Xét về nghĩa từ nguyên , chữ chính trị có nghĩa là làm cho ngay ngắn , đúng đắn , kỷ cương , minh bạch . Một nền chính trị hồ đồ sẽ gây ra chính sự phiền hà , dễ khiến lòng dân oán hận . Sứ mạng to lớn của chính trị gia là trị quốc an dân ; đem lại sự thái bình thịnh trị cho quốc gia dân tộc . Làm chính trị mà sai lầm thì giết chết cả thế hệ ,
Ngày xưa trong chế độ phong kiến , bá tánh phải tận trung với vua vì quan niệm vua là " Thiên tử " ( con trời ) . Ngày nay khái niệm nầy được thay bằng " trung thành với tổ quốc " vì Tổ quốc là trên hết .
" Hãy trung thành với tổ quốc và chỉ trung thành với chính quyền , một khi nó xứng đáng với điều đó " ( Mark Twain )
Là một công dân trong cộng đồng dân tộc mà không quan tâm chính trị khác nào kẻ đứng bên lề , có khi còn tệ hơn một người nước ngoài ! Không lên tiếng , không đứng lên bảo vệ chân lý ,chính nghĩa , tổ quốc , ...thì cuộc sống sẽ trôi lăn theo dòng đời ngu mê u tối !Cụ Phan Chu Trinh nhận xét rất đúng về dân tộc tính của người Việt như sau : " Bi kịch của dân tộc Việt Nam là người Việt chỉ yêu bản thân họ hơn là quan tâm đến những gì xảy ra chung quanh . Bản tính cuả người Việt là sợ liên luỵ và ngại giúp đỡ ; từ đó dẫn đến vô cảm "
Trước những sự kiện , biến động xảy ra trong nước hiện giờ thì chỉ một số nhân sĩ trí thức đã dũng cảm có tiếng nói , buồn thay còn một số thì cầu an bởi " sĩ khí rụt rè gà phải cáo " ( Trần Tế Xương ) .
Nếu làm từ thiện xuất phát từ lòng trắc ẩn và từ tâm một cách tự nhiên trong mối quan hệ giữa tình đồng loại thì quan tâm chính trị cũng là nghĩa cử tự nhiên vốn dĩ như thế . Quan tâm chính trị chẳng khác nào quan tâm hơi thở , quan tâm đến môi sinh , đến sự biến đổi khí hậu, đến chính sách , định chế , đạo luật , nghị định , thông tư , thuế , phí , cách sử dụng tiền thuế của dân trong việc thực hành an sinh , phúc lợi ,vv...Tất cả những vấn đề đó gắn liền với sự tồn sinh của mỗi cá nhân và toàn dân tộc . Nếu không quan tâm đến chúng , ta sẽ thiếu trách nhiệm với bản thân và cả với cộng đồng . Quan tâm để tỉnh thức trong các lựa chọn , để hành xử thích ứng trong từng giai đoạn .( chẳng hạn như hiện nay mọi yếu tố có liên quan đến Trung Quốc đều đáng quan ngại và đề phòng cảnh giác !)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét