Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

VUA LÝ THÁNH TÔNG

     
   Platon quan  niệm một người lãnh đạo quốc gia phải  là một hiền triết .Hơn thế nữa , Platon đòi hỏi triết gia phải tham gia lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội . Quan niệm của Platon không xa lạ với quan niệm cổ thời đông phương : người chăn dắt trăm họ , đứng đầu một nước phải là người hiền đức , các quan chức tham gia bộ máy chính quyền phải là các bậc hiền tài . Đã là hiền tài thì phải xuất chính để giúp  dân giúp nước . Dưới các triều đại Lý , Trần hầu hết vua chúa , quan lại đều là những bậc hiền đức , hiền tài . . Điển hình nhất là vua Lý Thánh Tông.

      Platon , Pythagore , ...là những triết gia bậc thầy của triết học Hy lạp cổ thời .
 Triết - theo từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh là sự khôn ngoan , là trí đức . Triết học là học vấn nghiên cứu về nguyên lý của vũ trụ và nhân sinh .
 Triết gia là người nghiên cứu triết học
Còn theo tự điển triết học thì triết là khoa học về các nguyên tắc phổ quát chi phối , điều động hữu thể ( L'être). Triết cũng là tư tưởng con người , là quá trình nhận thức . Riêng đối với Platon thì cho rằng triết gia là con người tốt nhất , được tẩy sạch mọi nhơ  nhớp , quen sống với thực tại và nhữn giá trị tinh thần  , một người không sợ hãi trước cái  chết . Cũng theo quan niệm của Platon triết gia nhiều khi vụng về trong đời sống xã hội nhưng lại là người có đủ uy tín làm gương mẫu cho mọi người . Triết  gia còn là một nghệ sĩ , một nhà thần bí , một con người quen sống với thực tại mà nhà chính trị ngụy biện không hề biết đến . triết gia là người biết chiêm ngưỡng , làm quen với thực tại đồng thời có hoài bảo xây dựng một cộng đồng xã hội tốt đẹp phù hợp với những gì mà họ chiêm ngưỡng thấy . Tư tưởng , lời nói và việc làm của triết gia bao giờ cũng  nhất quán ( tri hành hợp nhất ). Ngoài ra Platon cũng nhấn mạnh đến điều kiện cần và đủ của nhà lãnh đạo hiền triết : mẫu mực cho sự điều hòa và quân bình . Sự điều hòa trong một cơ cấu xã hội cũng thiết yếu như sự quân bình giữa các  cơ năng trong một cơ thể . Chính sự điều hòa quân bình dẫn đến sự chừng mực tiết độ , điềm đạm khoan hòa , không bất cập , không thái quá .

    Trong cuốn Việt sử lược có chép lại sự ra đời của vua Lý Thánh Tông ( LTT ) như sau :" Mai Thị Hoàng hậu mộng thấy mặt trăng vào bụng , nhân đó có mang . Ngày 15 tháng 02 năm 14 hiệu Thuận Thiên ( 1023) sinh ra vua ở cung Long Đức  (1) . Năm đầu tiên Thiên Thánh ( 1028) được lập làm Thái tử ; khi lớn lên vua thông kinh truyện , sành âm luật , nhất là sở trường về vũ lược .  Thái Tông mất, vua vâng di chiếu lên ngôi trước linh cửu của cha " .Và trong cuốn Lý Thường kiệt , nhà bác học Hoàng Xuân Hãn đã có lời nhận định : " Lý Thánh Tông là vua ta đầu tiên có óc lập một đế quốc có danh hiệu ngang với một nước Thiên tử . đặt quốc hiệu là Đại Việt , tôn các vua trước là Thái Tổ , Thái Tông ..., coi các nước nhỏ  chư hầu và muốn ngăn Chiêm Thành thần phục nhà Tống ".
  Con người của Lý Thánh Tông có đầy đủ thuộc tính của một triết gia , theo quan niệm của Platon:
   - Sự khôn ngoan ( sagesse )
   - Lòng nhân đức công chính ( justice )
   - Lòng can trường , dũng lược ( courage )
 và đặc biệt là sự hài hòa tiết độ ( température )
 Theo quan niệm phương đông thì một con người hoàn hảo , một hiền nhân quân tử phải có đầy đủ ba tác dụng tinh thần :
   - Lý trí  ( sự hiểu biết)
   - Tình cảm ( yêu con người , yêu nghệ thuật , yêu thiên nhiên )
   - Ý chí ( hành động )
Để thực hiện được hoài bảo lập một đế quốc có danh ngang với một nước thiên tử " , LTT đã hội đủ những những yếu tố , những điều kiện sau đây :
  1/ Sự khôn ngoan của một hiền triết :Platon cho rằng triết gia là người quen sống với những giá trị tinh thần , là người biết chiêm ngưỡng , làm quen với thực tại đồng thời có hoài bảo xây dựng một xã hội phù hợp với những gì mà mình đã sống và chiêm ngưỡng thấy !. LTT quả đúng là con người như vậy . Vốn sẵn tư chất thông minh , lại mẫn cảm với thời thế , LTT biết chọn một mô thức xã hội , một định chế chính trị đáp ứng được nhu cầu về cái  toàn diện  và hợp với nguyện vọng của quần chúng nhân dân .Trong môi trường văn hóa lúc bấy giờ có nhiều luồng tư tưởng như Nho - Phật - Lão. Tâm lý dân tộc do vậy cũng có nhiều khuynh hướng khác nhau . người theo Nho có khuynh hướng nhập cuộc dấn thân ; người theo Lão có khuynh hướng đi ra thiên nhiên , trường sinh tịch cốc  . Còn người theo đạo Phật đa số lạc lối trong cảnh giới thiền bác học của Vô Ngôn thông . Trong khi đó nhu cầu thiết yếu của dân tộc là  THỐNG NHẤT Ý CHÍ ĐỂ HÀNH ĐỘNG : một mặt đấu tranh với hoàn cảnh khắc nghiệt  của thiên nhiên , một mặt đấu tranh chống lại âm mưu xâm lược của giặc phương Bắc ; mặt khác  chinh phạt mở rộng bờ cõi về phương Nam . Làm thế nào thiết lập một toàn thể nhất quán để thỏa mãn nhu cầu về cái toàn diện . Nhà lãnh đạo thời ấy vừa phải tích cực hành động , vừa thiết lập cái toàn thể nhất quán để hướng dẫn hành động. Muốn có được toàn thể nhất quán không thể chọn một bỏ một mà phải dung thông dung hóa nhiều khuynh hướng khác nhau .TINH THẦN TAM GIÁO ĐỒNG NGUYÊN  là giải pháp tối ưu cho tồn vong và phát triển của đất nước . Các khoa thi tam giáo đã tuyển trạch được nhiều hiền tài cho đất nước làm phong nhiêu hưng thịnh nguyên khí quốc gia .
  Vua Lý Thánh Tông vừa làu thông kinh truyện của Nho gia vừa am hiểu tư tưởng uyên áo của Lão giáo lại vừa thấm nhuần giáo pháp của Phật học đại thừa .. Nhà vua không độc tôn một tư tưởng nào mà chủ trương " đồng qui nhi thù đồ , nhất trí nhi bách lự  (nhiều đường khác nhau qui về một chỗ , thống nhất cùng nhau dù trăm cách nghĩ khác nhau ) . Đó là tư tưởng đa nguyên sớm sủa nhất trong lịch sử nước ta .. Tư duy và  hành động của LTT bao giờ cũng nhất quán ( tri hành hợp nhất ) . LTT tuy là phật tử thuần thành song vẫn chuộng nho học với lý tưởng  TU- TỀ - TRỊ - BÌNH  ; bởi vì đây là cái học thực tế , nhân sinh có liên hệ mật thiết đến nhân quần xã tắc . Ngoài việc xây dựng chùa , tháp nhà vua còn cho xây văn miếu thờ Thánh Nho ; đúc tượng Khổng Tử , Chu Công , Thất thập nhị hiền . Thái tử , Hoàng tử đều học Nho ở cửa Khổng sân Trình . Nhà vua không những tin Phật , thờ Nho mà còn tôn sùng Bà La Môn giáo - một tôn giáo có tư tưởng uyên áo ở xứ Ấn độ du nhập vào nước ta qua cửa ngõ Chiêm Thành .Hành động cụ thể là cho xây chùa Nhị Thiên Vương để thờ thần Deva và thần Civa .
  Tam giáo đồng nguyên , vạn pháp nhất lý vốn là căn nguyên ý thức hệ dân tộc thời Lý .Tư tưởng " vạn pháp nhất lý bén rễ từ thiền hành động của thiền sư Vạn Hạnh , Pháp Thuận , Khuông Việt . Thành tựu và biểu hiện minh nhiên nhất là Vạn Hạnh thiền sư - một nhà sư nhập cuộc tích cực :vừa lo đạo vừa lo đời , vừa nhập định theo thiền tông , vừa tụng chân ngôn theo lối mật tông vừa hoạt động vừa thiết lập cái toàn thể nhất quán để hướng dẫn hành động , vừa xuất vừa xử ,vừa đi ra thiên nhiên lại vừa đi vào sinh hoạt của quần chúng , vừa dấn thân giúp đời lại vừa giữ được không lý .
  Về sau , Vô Ngôn Thông họ Trịnh người Quảng Châu mang dòng thiền của Tổ Bách Trượng vào Việt Nam . Rồi từ đó văn minh Trung Hoa càng ngày càng xâm nhập vào Việt Nam khiến cho thiền VN dần dần có khuynh hướng bác học xa rời quần chúng - nhu cầu về cái tòan diện không còn được thỏa  mãn thích đáng.Đó là lý do vua LTT sáng lập ra một thiền phái mới : Thiền phái Thảo Đường .Triết lý Thảo Đường có đặc điểm phối hợp giữa Thiền và Tịnh . Điều nầy phù hợp với nhu cầu thống nhất ý chí quần chúng và đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân .Bởi lẽ đại chúng bình dân luôn tha thiết với con đường tình yêu mà sự biểu hiện là tín ngưỡng sùng bái và đề cao nguyên lý mẫu  .Bất cứ nhà lãnh đạo quốc gia nào cũng muốn xác lập một định chế chính trị và hoàn thiện một cơ cấu xã hội . Nhưng một nền chính trị có định chế , một xã hội có cơ cấu tổ chức không tránh khỏi một chế độ pháp quyền thuần lý cứng nhắc . Điều nầy không tương thích với tâm lý dân tộc và tín ngưỡng sùng bái của người Việt đã ăn sâu vào mạch sống của dân tộc .( Ngoài thì là lý nhưng trong là tình - ND) .Với sự khôn ngoan của một nhà lãnh đạo hiền triết ,vua LTT xây dựng một xã hội VN đầy đủ  NHÂN , TRÍ , DŨNG .
   2/Lòng nhân đức , sự công chính là đặc tính của chế độ nhân trị . Chính sách ái dân , huệ dân , thân dân  được xem là quốc sách . Thay vì dùng luật pháp để răn đe , trừng trị , LTT dùng lòng yêu thương dân như con đẻ để giáo hóa trăm họ
Trang Wikipedia đã viết về vị vua nhân từ nầy như sau:
   "Nhân một năm trời rét đậm, Thánh Tông bảo các quan hầu cận rằng:

Trẫm ở trong cung ngự sưởi than thú, mặc áo hồ cừu mà còn rét thế này. Huống chi những tù phạm giam trong ngục, phải trói buộc, cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc; vả lại có người xét hỏi chưa xong, gian ngay chưa rõ, nhỡ rét quá mà chết thì thật là thương lắm.
Nói rồi vua truyền lấy chăn chiếu cho tù nằm, và mỗi ngày cho hai bữa ăn.
Lại có một hôm, Thánh Tông ra ngự ở điện Thiên Khánh xét án, có Động Thiên công chúa đứng hầu bên cạnh. Thánh Tông chỉ vào công chúa mà bảo các quan rằng:
Lòng trẫm yêu dân cũng như yêu con trẫm vậy, hiềm vì trăm họ ngu dại, làm càn phải tội, trẫm lấy làm thương lắm. Từ rày về sau tội gì cũng giảm nhẹ bớt đi " ( hết trích )
 Ngay đến việc vua đưa một thôn nữ hái dâu về cung và phong là Thần phi , giao cho việc nội trị đủ chứng tỏ vua LTT không  phân biệt giai cấp và rất bình đẳng giới tính . Bình đẳng tánh trí cũng như tâm vô phân biệt là lý tưởng của người tu Phật . Con đường tình yêu của nhà vua còn được thể hiện ở nhiều bộ môn nghệ thuật . Ngay từ nhỏ ngài đã rành âm luật , lớn lên ngài đã từng phiên dịch nhạc khúc Chiêm Thành rồi sai nhạc công , vũ nữ đàn hát . Trong một buổi tiệc khao quân , chính nhà vua biểu diễn múa khiên , đánh cầu theo những nhạc khúc do chính mình biên soạn giữa lòng đất Chiêm .Ngoài ra LTT còn là một kiến trúc sư tàì hoa lỗi lạc . Chùa , tháp  và các cung điện nguy nga đều đã được xây cất theo thiết kế bản vẽ của vua . Âm nhạc và kiến trúc phải chăng là những bộ môn giúp cho tâm hồn con người có sự quân bình hòa hợp .Kinh nhạc có câu : "Đức giả , tính chi đoan dã . Nhạc giả , đức chi hòa dã " có nghĩa là đức ấy là sự đoan chính của tính tình , nhạc là sự hòa hợp của đức vậy . Sự hòa hợp, quân bình , tiết độ đều là thuộc tính của ĐỨC  lý . Thái quá hay bất cập đều tệ hại như nhau cả .
 3/Sau cùng là Dũng :  Theo quan niệm của Platon một hiền triết lãnh đạo quốc gia phải có lòng can trường , dũng lược của một chiến sĩ , một người coi cái chết nhẹ tựa lông hồng . LTT trong cuộc chinh phạt Chiêm Thành , mở rộng bờ cõi về phương Nam ngay từ khi còn là Thái tử - đánh đâu thắng đó , mở rộng bờ cõi ra đến ba tỉnh : Địa Lý , Ma Linh , Bố Chánh . Năm 1069 , vua giao việc nội chính lại cho Thần Phi Ỷ Lan , thân chinh đi đánh Chiêm Thành . Sau khi cùng các quan quân làm lễ tuyên thệ ở điện Long Trì , vua xuống thuyền xuất quân . Sử chép vua đánh Chiêm Thành đã lâu không thắng , lại lo cho việc nội trị ở nhà ,bèn quay về . Đến Châu Cư Liêm vua nghe nói Ỷ Lan coi sóc nội trị dân tâm hòa hợp , trong nước yên ổn . Nghe vậy , vua nói " Kẻ kia là phụ nhân còn được như thế , ta đây nam nhân há lại tầm thường ư ? " . Vua bèn quay lại và đánh thắng giặc Chiêm .
     
          Tóm lại , theo quan niệm của triết gia Platon một người lãnh đạo quốc gia phải là một hiền triết ( Sophos King ).  Đã là một hiền triết phải hội đủ ba đức tính căn bản : Sự khôn ngoan , lòng nhân đức công chính và lòng can trường dũng lược . Vua Lý Thánh Tông đúng là một hiền triết lãnh đạo đất nước , là nguyên khí của quốc gia . Lý Thánh Tông kế thừa sự nghiệp của các tiên đế đã mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập tự chủ của nước Đại Việt - một nước đại Việt mà trong cáo Bình Ngô , Nguyễn Trải lấy làm tự hào : " Như nước Đại Việt ta từ trước , vốn xưng nền văn hiến đã lâu ; núi sông bờ cõi đã chia , phong tục Bắc Nam cũng khác " Nếu đem so với quan niệm của Platon thì vua LTT đúng là mẫu hình lý tưởng của một nguyên thủ quốc gia trong mọi thời đại !


Chú thích :
( 1) :Cung Long Đức được vua Lý Thái Tông xây ngoài thành dành cho Thái tử ở . Nhà vua muốn cho Thái tử sống gần gủi dân chúng để hiểu rõ dân tình 



.

2 nhận xét:

  1. sang đây đọc được những định nghĩa và dẩn chứng đông tây kim cổ về một "triết gia". tề gia trị quốc bình thiên hạ, thật tuyệt vời. chúc bạn luôn an vui và nhiều sức khoẻ nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn Mẫn đã quan tâm đến bài viết . Thật là hân hạnh cho người viết lắm vậy . Chúc bạn vui và viết khỏe nhé ! Thân .

      Xóa