Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Dưới lớp vỏ ngôn từ trong bài " mãi cần có nhau " của nhà thơ Nguyên Âm

  

     Mãi Cần có nhau
Buồn vui trong cuộc đời nầy
 Mai sau ai cũng xuôi tay lìa trần
 Dễ gì gặp được người thân
 Thời gian còn lại mãi cần có nhau
                      Nguyên Âm
 Bài thơ lục bát tứ tuyệt của Nguyên Âm trên đây được viết bằng những câu thơ mộc mạc , giản dị , chân phác , dễ nhớ , dễ thuộc . Những câu thơ như những lời nói thường kiểu “cà tửng “mới nghe ra như có vẻ tường thuật , mô tả , thông báo sự đời . Nhưng nếu bóc từng lớp vỏ ngôn từ ta sẽ thấy chừng như có một thông điệp gì đó mà Nguyên Âm muốn gửi gấm trong bài thơ nầy .
   Ngay trong câu thơ đầu , hai chữ buồn vui thật không đơn giản chút nào . Trong cõi hồng trần , đố ai , từ thứ dân đến vua chúa ; từ tiện dân đến quyền quý , không từng có những vui buồn trong đối nhân , xử thế . . Hai chữ buồn vui thật khó cắt nghĩa một cách tỏ tường , rành mạch . Vui buồn hay buồn vui không phải là một tình cảm đơn phương như “ vui “ hoặc “ buồn “ . Buồn vui luôn luôn là buồn vui với ai về điều gì đó . ( avec qu’un de quelque chose ).Người miền Nam thăm dò tình cảm của bạn bè : “ Lâu nay có buồn vui với tôi không mà không thấy tới chơi ? “
 Hoặc : “  Anh em nó có buồn vui  chi rồi !”…Thì ra hai chữ buồn vui báo hiệu tình trạng “ giờ không êm ấm nữa rồi “ ( ND ) trong mối quan hệ trước đó đã từng ấm êm .Buồn vui xảy ra trong mối quan hệ vốn tốt đẹp chẳng qua là sự bất bình , phàn nàn hoặc thống trách . Nó không gay gắt đến mức đối kháng , đối cực để trở nên mâu thuẫn , hận thù . Nhưng lâu ngày không hóa giải sẽ làm cho tình thân giữa hai người dần dần phai nhạt .   Một cách hóa giải hữu hiệu là ngồi lại để thương , lắng nghe để hiểu
   Nếu xét bài thơ trên thuộc thể thơ lục bát tứ tuyệt thì  câu đầu là câu khai ( khai , thừa , chuyển , hợp ) . Câu khai là câu bủa ý , câu thừa là câu làm rõ ý câu khai : “ Mai sau ai cũng xuôi tay lìa trần
Đó là chân lý hiển nhiên không cần bàn cải . Sống trên trần đời không ai là không chết . Vậy nên những buồn vui giận hờn không nên “ sống để bụng , chết mang theo “ làm gì . Vả lại cuộc đời ngắn ngủi quá , mong manh quá , “ buồn vui “ với nhau mà làm gì ? Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ ( TCS ) . Đi ngoài  đường , gặp một người thân , không kịp vẫy tay chào sẽ ray rứt ăn năn dường nào khi hay tin người đó đột ngột qua đời . .
 Câu thơ thứ ba là câu chuyển : Dễ gì gặp được người thân
Trong khi bài thơ tứ tuyệt thì câu ba là câu bản lề khép lại hai câu trên và mở ra câu hợp mang ý tổng kết . Từ khóa trong câu ba là từ ‘ người thân “ . Đã là người thân thì không dễ gì gặp được , cũng như đối với giai nhân khó gặp ( giai nhân nan tái đắc ) . Điều lưu ý ở đây là Nguyên Âm không nói “ gặp lại “ mà nói “gặp được ; gặp được gần nghĩa với có được …một cuộc gặp gỡ - hạnh ngộ . Gặp một người thân đúng nghĩa thật là không dễ dàng !. Thiền sư Trí Bảo đã từng khẳng định :
Tương thức mãn thiên hạ
Tri âm năng kỳ nhân
( Giao du khắp thiên hạ
Tri âm được mấy người )
Biết nhau thì dễ mà hiểu được lòng nhau mới là khó . Thường thì tương thức mà không tương tâm . Người thân mà tác gỉa muốn nói ở đây là người tâm phúc . Chữ “ phúc “ có nghĩa từ nguyên là bụng , bọc giấu ở trong , khúc nối trong lòng . Người tâm phúc sống trong da thịt của nhau .( être dans la peau de quelqu’un ). Người tâm phúc có thể hy sinh mạng sống cho nhau như Lê Lai liều mình cứu Chúa , như Kỷ Tín giả làm Hán Vương để cứu Lưu Bang thoát khỏi vòng vây của Sở Vương ( Hạng Võ ) .Trên đời nầy có được bao nhiêu “ người thân ‘ cở ấy ? Nói như Vũ Thành An “ Vạn người quen có mấy người thân , khi lìa đời có mấy người đưa ? “
  Tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp Nguyên Âm dùng từ người thân trong ngữ nghĩa là người cùng huyết thống , cùng giòng họ ..Nếu như vậy thì sẽ mâu thuẫn thì sẽ  với cụm từ “ dễ gì gặp được “ trước đó . Người anh em , bà con đâu có khó gì gặp , trừ khi bị thất tán , xiêu lạc .. Nếu như vậy thì phải nói là “ dễ gì gặp lại “ chứ không thể nói là gặp được . “ Người thân “ theo nghĩa tương tri , tâm phúc không nhất thiết là người cùng huyết thống . Người cùng huyết thống cũng không thể mặc định là người thân . Trên thực tế có những người anh em không xem nhau là tâm phúc ..  Như vậy không thể hồ đồ mặc định rằng hễ máu mũ là người thân .. Người thân mà không “ dễ gì gặp “ không những đồng tôn đồng tộc mà còn đồng tâm đồng chí , đồng hội tương lân . Từ tương lân đến tương thức , từ tương thức đến tương tri , từ tương tri đến tương tâm . Khổng Tử cho rằng : “ Nhân chi tương tri , quý tương tâm “ ( người ta biết nhau quý ở chỗ biết lòng nhau ) . Bi kịch gia đình thường xảy ra khi những người thân không tương tri , không tương tâm vì ghét ghen , tự phụ , ích kỷ …Đó cũng là vấn đề không chính danh .Bài thơ kết thúc bằng một tâm nguyện chí thiết : “ Thời gian còn lại mãi cần có nhau “
Câu cuối có nhiệm vụ tổng hợp ba câu trên . Chính vì vậy mà ngày nào còn sống ngày đó còn cần có nhau . “ ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau “( TCS ) . Câu thơ mộc mạc , phác thực nhưng rất chân thành , thống thiết .Câu nầy có thể nói với người bạn tâm giao , tâm phúc , với người tình , với bạn đời ….đều tỏ lòng chung thủy sắt son . Cách nóí của Nguyên Âm tưng tửng, dí dỏm  và huỵch toẹt . Đây là tố chất trong thơ Nguyên Âm .
    Tần Hoài Dạ Vũ có nhận xét rất đúng về con người và thơ Nguyên Âm : “ Sống chân thành , viết chân tình , đây chính là hồn cốt của Nguyên âm “


    Bên trong lớp vỏ ngôn từ thô mộc , dân dã là những ý tứ thâm trầm , dung dị . Ý tứ ấy đã bộc bạch cả tấm chân tình suốt đời khao khát , suốt đời kiếm tìm : người thân . Ôi ! phải chăng vì “ Vạn người quen có mấy người thân ? !”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét