Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Trái tim người mẹ


                                       
     Giới trẻ ngày nay thường trách móc, than phiền cha mẹ không hiểu mình . Câu nói thường nghe : "Ba Mẹ chẳng hiểu con chút nào cả !.Nhưng thật ra chính con cái mới không hiểu chút nào về nỗi lòng của cha mẹ - nhất là trái tim người Mẹ . Trái tim người mẹ huyền diệu làm sao ,bao la làm sao !

        Trái tim người Mẹ là một thể thống nhất không thể chia làm nhiều phần xanh đỏ như cách nói của một nhà thơ tuyên giáo. Một nhà thơ Pháp nói rất đúng về trái tim người mẹ : " Ôi! Trái tim người Mẹ ,mỗi đứa con có một  phần trong đó và tất cả bọn chúng đều có cả trái tim Mẹ!"  Đúng vậy , mỗi đứa con đều có một phần trái tim Mẹ và đứa nào cũng sở hữu cả trái tim Mẹ .Một phần nhưng là tất cả . Trong một gia đình đông con ,người Mẹ chăm chút cho từng đứa- mỗi đứa một cách - nhưng với đứa nào cũng bằng cả một tấm lòng .Giống như con gà mẹ với bầy gà con ,khi bươi chải kiếm mồi cho con ăn thì gà mái ưu tiên cho đứa con chậm lụt , yếu ớt . Những khi bảo vệ ôm ấp thì gà mái xoè cả đôi cánh ra để che chở cho cả đàn con . Người mẹ cũng thế , mỗi đứa con của mẹ có hoàn cảnh khác nhau ( về trí năng , sức khoẻ , phước báo , ... ) nên mẹ dành cho mỗi đứa sự che chở lo lắng bảo bọc khác nhau . Dù khác nhau nhưng mỗi đứa cũng nhận cả trái tim mẹ . Từ đứa tài ba giỏi giang cho đến đứa chậm chạp  kém cỏi trái tim mẹ vẫn chia đều như cân tiểu ly !
        Chính vì không hiểu hết nỗi lòng mẹ ta nên có sự cà nanh so bì giữa các đứa con trong cùng một gia đình . Đó là một điều đáng tiếc !Nếu không hoà giải kịp thời thì sẽ dẫn đến xào  xáo . Hệ quả tất yếu là mất hạnh phúc gia đình . Chỗ dễ bị tổn thương nhất trong trái tim người mẹ chính là sự bất hoà giữa con cái . Nguy hiểm nhất là những gia đình vừa đông con vừa có nhiều tài sản . Trong trường hợp nầy sự so bì cà nanh không đơn thuần là tình cảm mà có cả sự tranh chấp quyền lợi ! Bấy giờ không những là bi kịch mà còn là thảm kịch gia đình . Người xưa có câu " Anh em hoà thuận hai thân vui vầy " Cha mẹ làm sao vui được khi chứng kiến cảnh con cái bất hoà . Chữ hiếu thường đi với chữ để và có tương quan mật thiết với nhau . Hiếu là hiếu với cha mẹ , còn để là anh em hoà thuận với nhau . Từ chỗ bất đễ dễ sinh ra bất hiếu . Do đó muốn có hiếu phải có để . Bất để thì trên không kính dưới không nhường , không nhu thuận , không thương yêu đùm bọc nhau . Ca dao có câu " Khôn ngoan đối đáp người ngoài , gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau ". Anh em trong nhà mà không hoà hợp thì chớ mong đến con dân trong một nước hoà hợp với nhau !.
   Một nét mầu nhiệm nữa nơi trái tim người mẹ là dù con ở tuổi nào mẹ vẫn thương con .: Mẹ trăm tuổi vẫn thương con tám mươi . Cụm từ tựa cửa trông con ( ỷ môn hoài ) luôn dành cho người mẹ . Khi con còn nhỏ học trường làng mẹ thường tựa của trông con 
     Tan buổi học mẹ ngồi tựa cửa 
     Mắt trông con đứa đứa về dần  ( Tản Đà )
  Mẹ trông từng đứa một và đứa nào cũng dành cả tấm lòng yêu thương lo lắng .
 Rồi những đứa con từ giả trường làng đi học hoặc đi làm ăn xa lâu lâu mới về thăm nhà ; mẹ cũng lại tựa cửa trông con ...
  Trái tim người mẹ bao la huyền diệu như vậy cho nên trong cõi đời nầy không ai lo lắng yêu thương ta bằng mẹ ta cả . 
Đức Khổng Tử cho rằng " Ở đời có ba niềm hạnh phúc lớn : thứ nhất là cha mẹ còn sống anh em hoà thuận , thứ hai là được gần gũi với những thiện trí thức và thứ ba là ngó lên không thẹn với trời , ngó xuống không hổ với người , nhìn vào trong lòng mình không có gì tội lỗi " 
   Nếu cha mẹ còn sống mà anh em không hoà thuận thì niềm hạnh phúc đó chưa trọn vẹn !

      Trái tim người mẹ là biểu tượng cho một tình yêu vô điều kiện , vô giới hạn và không có lần nào là lần cuối . Chính vì vậy mà tín ngưỡng nào cũng lấy nguyên lý Đức Mẫu làm trọng . Nguyên lý Mẫu là nguyên lý sinh thành dưỡng dục , bảo bọc cưu mang sẵn sàng che chở cứu vớt . Tín ngưỡng về Đức Mẫu được hình tượng hoá trong các tôn giáo : Mẹ Maria trong Ki tô giáo , Mẹ Quan Âm trong Phật giáo , Thánh Mẫu Thiên Yana ,Bà Cữu Thiên Huyền Nữ ,Bà Chúa Liễu Hạnh , Bà Chúa Xứ ,...Và đặc biệt trong ngôn ngữ của nhiều dân tộc đã gặp nhau trong tiếng gọi mẹ : Mère , Maman (Pháp ) , Mother , Mamy , Mum  Mỹ ), Mẫu ,Mama  ( Tàu ) , Mè ( Thái Lan), Mế  ( dân tộc thiểu số ) ...
                         

7 nhận xét:

  1. Bên Nho gia quan niệm "Hiếu là gốc của thiên hạ" phải không thầy ?

    Trả lờiXóa
  2. Phúc cho ai có cha mẹ thương yêu. Có nhiều khi vẫn đọc vẫn nghe rằng kg có gì hơn tình phụ mẫu. Nhưng cũng có những người sinh ra đã thiếu vắng cái tình rất cơ bản đó, nên cả cuộc đời cứ thấy lẻ loi cô độc.

    Trả lờiXóa
  3. Đúng vậy Chù à .Thật là phúc cho những ai được cha mẹ thương yêu.và cũng thật là tội cho những người thiếu vắng tình thương của cha mẹ .Tôi rất mừng vì có bạn đã đồng cảm với bài viết nầy .Chúc Chù vui .

    Trả lờiXóa
  4. Gần tới Vu Lan, nên tự nhiên đọc bài này của thầy con thấy nhớ cha mẹ. Chắc có nhiều người con, ít có dịp đọc thấy lòng cha mẹ như những gì thầy viết. Con cái lớn lên có cuộc sống riêng, bồi bổ cho bản thân đủ thứ, nhưng ít khi nào chịu để ý, coi ba má già rồi, sẽ cần thiết thứ gì. Cứ nghĩ cầm ít tiền về cho, thế là xong. Cho mà thậm chí còn ki bo tính toán.

    Có nhiều khi ba má đâu có cần tiền của con. Có nhiều cái nhỏ nhặt, nếu con để ý lưu tâm, còn khiến ba má vui nhiều hơn nữa.

    Có một ngày, khi ai rồi cũng già đi, sẽ tới lượt mình bước trên con đường vắng vẻ, mà ở bên đường con cái ít khi xuất hiện đưa tay dìu dắt. Chắc lúc đó sẽ còn nhớ nhiều tới ngày rằm tháng Bảy Vu Lan.

    Trả lờiXóa
  5. Mình đã không còn cha lẫn mẹ để được yêu thương .Hình như những lời của Chù đã nói dùm cho biết bao người đấy .Có khi hạnh phúc mất rồi mới sực tỉnh ra là mình vừa đánh mất !Hằng ngày chúng ta sống và chạy ngược xuôi kiếm tìm mọi thứ mà chúng ta cho là quý báu là cần thiết ...Nhưng chúng ta nào biết có một thứ vô cùng quý báu và cần thiết mà chúng ta không hay biết đang ở kề bên chúng ta : hơi thở ! Các bạn ơi có phải cha mẹ là hơi thở của chúng ta không ?

    Trả lờiXóa
  6. Vua A Xà Thế,vì làm nhiều chuyện bất hiếu, thân tâm đau khổ. Có người đề nghị ông đến gặp Phật vì Ngàilo nghĩ cho A Xà Thế. Ông vua nầy hoài nghi, nói rằng Phật từ bi đối với tất cả sao lại nghĩ riêng đến mình. Sau nhiều lần thuyết phục của người chung quanh, vị vua nầy xin đến đạo tràng cầu Phật. Phật chào mừng rất trịnh trọng, thưa đại vương. Nhà vua qùy xuống khóc, sao ngài còn thương kẻ có tội mà gọi đến thế. Phật giải thích hai điểm.
    Thứ nhất Ngài vẫn tôn trọng giá trị xã hội cần thiết cho tâm lý của A Xà Thế, tuy nó không giá trị tuyệt đối. Thứ hai ngài nghĩ đến nhà vua nầy, không sai trái với bình đẳng trong từ bi. Ví như cha mẹ thương yêu đồng đều các con. Nhưng đứa nào sút kém thì cha mẹ lo cho nhiều hơn. (ghi theo ý trong Kinh Niết Bàn)

    Trả lờiXóa
  7. Cảm ơn HV đã cảm nhận được chủ đề của bài viết .

    Trả lờiXóa