Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

Nghĩ về phước huệ song tu

Về việc tu phước mà không tu huệ kinh Hoa nghiêm có cảnh báo rằng :"Đánh mất tâm bồ đề đi làm việc thiện  là hành động của ma".(Vong thất bồ đề tâm hành chư thiện pháp thị  danh ma nghiệp). Nhưng thế nào là bồ đề tâm? Bồ đề tâm là tâm bình đẳng ,vô phân biệt ,vô sở cầu ,vô sở đắc ...còn gọi là tâm an nhiên ,tâm vô trước .
Có một bài thi kệ nói về tâm nầy :
Ngột ngột bất tu thiện.
Đăng đăng bất tạo ác.
Tịch tịch đoạn kiến văn.
Lộ lộ tâm vô trước .
(Trơ trơ không tu thiện.
Lăng xăng không tạo ác.
Quét sạch mọi sai khác.
Rõ rành tâm an nhiên).
Đạt được tâm an nhiên sẽ trở nên người vô sự. Người vô sự là tên gọi khác của các danh hiệu : La Hán,Bồ Tát. Khi trở thành người vô sự rồi thì không gì chẳng phải đạo ,tâm an tức là thiền.

4 nhận xét:

  1. Tác giả đã dùng 95% độ dài của bài để nói về tu huệ; trong lúc đầu đề là song tu. Hy vọng tác giả sẽ nói thêm về tu phước. Phật có thêm một danh hiệu là Đấng Lưỡng Túc Tôn, đầy đủ cả huệ lẫn phước.Danh hiệu nầy là một bài học cho chúng sinh để sống quân bình. Một người đầy đủ huệ mà không có phước thì đói meo. Người có nhiều phước thì hưỡng lộc nhưng không có đầu óc.
    Phân tích ra thì như vậy nhưng thực tế một người tu huệ sẽ ý thức được từ bi và hành thiện. Hành thiện như một hành vi cứu độ; cứu độ chính là đạt Phật quả (bao gồm cả huệ năng). Nguyên lý của tu phước rất đơn giản qua câu nói của Phật: không có một việc ác nào dù nhỏ mà làm, không có một việc thiện nào dù nhỏ mà từ chối không chịu làm. Nói về quả của việc thiện Ngài có ẩn dụ sau đây.
    Một lương y nghèo nhà tranh vách đất được triệu về kinh chữa bệnh ngặc nghèo cho vua. Xong kết quả tốt, ông bị giữ lại trong kinh thành thời gian khá lâu. Một hôm ông được vua gọi cho về với tiền công chỉ vừa đi đò. Nhưng ông không dam tỏ ra bất mãn với tính keo kiệt, được thả về là may. Đến quê cũ, ông không thấy nhà tranh xiêu vẹo mà là một lâu đài. Hỏi ra mới biết nhà vua muốn gây ngạc nhiên và bỏ tiền cho xây cất trong thời gian ông ở xa. Ý Ngài nói quả bao giờ cũng lớn hơn nhân.
    Câu chuyện nầy cũng áp dụng cho quả của việc ác. Một việc ác nhỏ có thể gây những diễn tiến kinh hoàn gián tiếp cho nạn nhân.
    Người có tu huệ và phước sẽ không ở trong trường hợp bi quan của La Rochfoucauld, triết gia Pháp: các đức tính chìm trong tư lợi như các con sông chìm trong bể cả. Hành thiện của kẻ chân tu là ý thức tha nhân, và ý thức tha nhân chung với bản thân.
    Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (chúng sinh có thể thành Phật) bắt đầu bởi Đại Tri(Văn Thù Sư Lợi)- huệ - và chấm dứt bởi Phẩm Phổ Hiền - phước. Tại các chùa đa số hai bên tượng Phật có tượng hai vị đại bồ tát nầy.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn bạn đã cho ý kiến . Bài viết của tôi thiên hẳn về tu huệ mà không nói nhiều về tu phước là bởi tôi muốn nhắn nhủ với những người chỉ lo tu phước mà quên tu huệ ;từ đó dẫn đến chấp danh chấp tướng .Cũng như nói không đối với người chấp có , nói có đối với người chấp không ấy mà !(Lần sau xin bạn cho biết danh tánh để tiện xưng hô )

    Trả lờiXóa
  3. Thưa Phạm Quân, tôi ở xa hiện sống trong vùng núi đồi xa thành thị, không an bần mà phải an bần còn lạc đạo thì không dám nói. Nai vào tận nhà không bắn, cá đầy hồ không câu, đồng cỏ xanh cho người ta cắt mà không nuôi thú vì không muốn bán đập thịt. Tôi đã hân hạnh đóng góp ý kiến ba lần trước: về vua A Xà Thế, bất nhị, và hữu ngã.
    Tôi sinh 1939 tại Huế, nam, có gia đình. Tôi dốt computer, không biết cách nào ngoài anonymous. Từ nay tôi sẽ ghi rõ bên dưới là Vô Danh Thị. Tôi chỉ ghi những cảm quan mà không rành về Phật học.
    Hát vu vơ giữa phong phanh cõi người cùa web nầy làm tôi nhớ đến mấy chữ Vi phong xuy động trong kinh Di Đà, tiếng gió qua lau lách gây ý đạo, làm cho người nghe có ý nghĩ sẽ niệm Phật ...Trong năm giác quan, thính giác có nhiều khả năng nhất trong việc giúp ta hướng về thanh tịnh, ví như đánh tiếng chuông ngân, nó đi vào tâm tưởng nhẹ nhàng, khi tiếng chuông bên ngoài, tiếng chuống vật thể, không còn nữa, đó là lúc làm việc cả tiếng chuông yên lặng. Đó là vô ảnh vô thanh; đến từ vô thanh, đi về vô thanh.
    Vô danh thị.

    Trả lờiXóa
  4. Chào Vô danh thị ! Rất vui vì được làm pháp lữ với huynh .Nói như Phạm Công Thiện : " Chúng ta chỉ là con sâu cái kiến và chỉ có thể cố gắng bò thật chậm rãi trên những trang kinh cổ kính ". Tôi rất nể phục vì sức đọc của huynh !

    Trả lờiXóa