Thứ Ba, 14 tháng 2, 2017

KHÚC CA TỪ NHỮNG NGƯỜI LƯƠNG THIỆN

       
      Phim " cuộc sống của những người khác " dựa vào một câu chuyện có thật ở Cọng hòa dân chủ Đức vào  năm 1984 - trước khi bức tường Bá Linh sụp đổ 5 năm 7 tháng .  Truyện xảy ra trong giới văn nghệ sĩ .nội dung phim xoay quanh tấm bi kịch giữa một bên là khát vọng tự do sáng tác , đam mê nghệ thuật  với một bên là bộ máy kềm kẹp , theo dõi , giám sát của nhà nước mà thực thi là hệ thống an ninh mật vụ ...Giới văn nghệ sĩ thường trực đối diện với một nỗi sợ hãi giăng mắc mọi nơi . Nỗi sợ hãi khiến họ trở nên tự kỷ , trầm cảm dẫn đến hàng loạt người tự tử . Có nhiều người phải đánh đổi thân xác để được làm nghệ thuật . Nhà cầm quyền lúc đó gọi tên hiện tượng nầy bằng một cụm từ hoa mỹ " CHẾT TỰ NHIÊN " . Và họ cho rằng chết tự nhiên để cho đất nước được an toàn ,trật tự chính trị được ổn định . Sau đây là phần lược thuật :
   
 Georg Dreyman là nhà văn ,nhà thơ đồng thời là nhà đạo diễn tài hoa và nổi tiếng dưới thời Cộng hòa dân chủ Đức ( Đông Đức ) . Vợ của ông là Seiland , một ngôi sao điện ảnh nổi tiếng không kém chồng mình . Một người bạn ( cánh tả ) cùng với người hàng xóm của ông trốn sang Tây Đức ; thế là ông bị an ninh thẩm vấn . Người thẩm vấn ông là trùm nghe lén và rất giỏi về nghiệp vụ hỏi cung nhưng không moi được chứng cứ gì bèn thả ông về và vẫn tiếp tục theo dõi đồng thời đình chỉ mọi hoạt động văn hóa của ông . Vợ ông cũng bị cấm diễn . An ninh vẫn thừa nhận rằng "gã nghệ sĩ nầy có cách che giấu rất kỹ " .
  Bên an ninh giao cho trùm nghe lén Wiester - có bí danh là XX/7 dẫn một toán kỷ sư đến nhà Dreyman mở khóa vào nhà để lắp đặt thiết bị nghe lén ... Vợ chồng  Dreyman hoàn toàn không hay biết việc nầy , lại đinh ninh rằng an ninh không còn để mắt đến họ nữa . Dreyman không bị nỗi sợ hãi đeo bám nữa nên tiếp tục sáng tác . Để giúp đồng nghiệp nhận được sự chia sẻ của thế giới hầu có thể chận đứng được sự " chết tự nhiên "  vì bị khủng hoảng tinh thần , Dreyman làm một thiên phóng sự thống kê số lượng văn nghệ sĩ tự tử để gởi sang Tây Đức  . Người bạn và người hàng xóm lúc trước sang Tây Đức nay đã lén trở về và bí mật  gặp gỡ  Dreyman để cùng thực hiện kế hoạch nầy . Họ tặng ông chiếc máy chữ hiện đại nhất mà ở Đông Đức chưa đủ trình độ sản xuất .
Hemp- bộ trưởng bộ văn hóa bắt ép Sieland  lên xe rồi giở trò đồi bại .Ông ta hứa nếu bà chịu hầu hạ ông ta thì sẽ được tiếp tục diễn và ông Dreyman chồng bà sẽ được bỏ lệnh cấm lưu hành tác phẩm . .Phần vì sự nghiệp của chồng , phần vì đam mê nghệ thuật nên Sieland nhận lời .Trong khi Dreyman miệt mài , cặm cụi trước tác thì hàng đêm vợ ông lại đi hẹn hò với bộ trưởng .Không có vợ ở nhà và biết vợ vì mình mà phải hẹn hò với bộ trưởng  ,Dreyman mất dần cảm hứng sáng tác , buộc lòng ông phải van xin vợ dừng ngay việc nầy. Và sự " trở về " của Sieland với chồng đã có công lớn của trùm Wiester  .Và họ lại tiếp tục quấn quit nhau trong ngôi nhà hạnh phúc . 
 Đặc vụ Wiester cùng một phụ tá kỹ thuật thay phiên nhau trực ở phòng máy để theo dõi mọi động tịnh của vợ chồng Dreyman , kể cả việc làm tình . Dần dần  ,Wiester bỗng cảm nhận rồi đâm ra ngưỡng mộ ,nể phục cuộc sống chan hòa yêu thương , giàu lý tưởng và lương thiện của đôi vợ chồng nghệ sĩ nầy .Một hôm nghe tin Jerska -một họa sĩ tài hoa bị cấm vẽ đã 5 năm  -  tự tử ;Dreyman dừng viết ,ngồi vào đàn Piano chơi bản Sonat ...; rồi ông lẩm bẩm : " Nếu nghe được khúc đàn nầy ,Jerska đã không tự tử " . Điều nầy khiến cho trùm Wiester cảm động về tính nhân văn của người nghệ sĩ mà ông đang theo dõi .Dreyman thường giấu chiếc máy chữ dưới ngạch cửa giữa phòng ngủ và phòng khách , cả vợ cũng không biết - bà chỉ tình cờ bắt gặp lúc ông đang giấu !

  Tác phẩm đã hoàn thành , người bạn và người hàng xóm của ông từ Tây Đức về nhận "hàng".Không bao lâu The Mirro- một tờ báo của tư bản - cho đăng tải thiên phóng sự của Dreyman . Những thông tin từ lâu bị bưng bít bên trong bức màn sắt bị rò rỉ ra ngoài .Nhà cầm quyền Đông Đức hoảng loạn  , nhốn nháo cho người điều tra làm rõ . Và họ truy lùng cái máy chữ .Một mặt cho bắt giam Sieland  để điều tra ;mặt khác họ khám xét lục tung nhà của Dreyman nhưng thất bại . Viên đại tá an ninh cầu cứu mật vụ Wiester thẩm vấn Sieland ; và bà nầy lại khai ra chỗ cất giấu cái máy chữ . Wiester tức tốc đến nhà Dreyman lấy chiếc máy chữ đem giấu chỗ khác . Toán an ninh tràn đến nhà Dreyman ...Sieland về đến nhà ; trong phút giây ân hận , tuyệt vọng ,bà chạy ra đường ,lao vào xe tải tự vẫn .. Trong lúc hấp hối bà được Wiester đỡ lên và nói nhỏ vào tai : " Bà yên tâm , tôi đã chuyển chiếc máy chữ đi rồi " . 
 Không tìm ra vật chứng , kế hoạch nghe lén của đặc vụ Wiester - bí danh XX7- chấm dứt .và nhận nhiệm vụ khưi thư cho người khác đọc trộm .
  Ngày 9/11/1989 bức tường Bá Linh sụp đổ ; dân Đông Đức ùa chạy sang Tây Đức .Cộng hòa dân chủ Đức được sáp nhập vào Cộng hòa Liên bang Đức .Chính phủ Liên Bang chia sẻ ,giúp đở ,chăm sóc tận tình người dân Đông Đức . Dreyman được tự do muốn viết gì thì viết . Ông được dân chúng tung hô vì có công buông gió để góp phần tạo cơn bão lớn làm ngã đổ bức tường ô nhục !. Chân dung của ông được được trưng bày bằng pano khắp nơi .
 Đặc vụ XX/7 chuyển sang làm nghề đưa thư .Một hôm Dreyman phát hiện dây nhợ lòng thòng trên tường mới ngộ ra là mình từ lâu đã bị nghe lén . Ông truy tìm người đã nhanh tay giấu đi chiếc máy chữ . Cuối cùng ông cũng đã nhận diện được ân nhân cứu mạng chính là Wiester , đặc vụ XX7.Để báo đáp cho ân nhân đã giúp đỡ âm thầm , Dreyman cũng âm thầm báo đáp bằng cách viết tặng cho người đưa thư Wiester tác phẩm " KHÚC CA TỪ NHỮNG NGƯỜI LƯƠNG THIỆN " . Và ở trang bìa ,ông kính cẩn đề câu :" Đến XX7 với lòng biết ơn " .
   Sau đây là vài cảm nhận mang tính thời sự của người xem phim : 
   
 -Về bản chất của chế độ độc tài thì hầu hết các nhà độc tài đều áp dụng học thuyết của Machiavel:"  ĐỐI VỚI DÂN KHÔNG CẦN HỌ THƯƠNG MÀ PHẢI LÀM HỌ SỢ " . Để giữ vững quyền lực họ gieo rắc sự sợ hãi .Vợ của họa sĩ Jerska,vừa khóc vừa kể : " Sâu thẳm trong bức tranh của anh ấy là sự sợ hãi ". Dưới chế độ độc tài sự tồn tại trở nên vô nghĩa vì sống mà không có quyền con người , không được nêu ý kiến , không được phép viết những gì mình muốn. "Viết về cuộc sống là kiệt tác chỉ là hy vọng ở kiếp sau "  Đó là lời của nhân vật trong phim .Nếu không tự tử thì phải bán rẻ hình hài thân xác để được sống sót với nghệ thuật . Đối với nhà cầm quyền tự tử chỉ là cái " chết tự nhiên " ; và phải chết để giữ vững trật tự chính trị !
   - Về nhân vật Georg Dreyman -nhà văn , nhà thơ ,nhà đạo diễn tài hoa thuộc túp người lương thiện , tử tế . Cả hai vợ chồng đều nổi tiếng song vẫn giữ cuộc sống giản dị , đơn sơ và chan hòa yêu thương .Họ sống có lý tưởng , có lòng nhân ái và luôn biết nghĩ cho người khác . Họ trọng danh dự và có trách nhiệm .Điều nầy đã cảm hóa được tên trùm mật vụ nghe lén Wiester XX7.
  -Về nhân vật Wiester XX7 ; bộ máy cầm quyền muốn biến ông ta thành một người máy chỉ biết ăn nằm với máy móc và nhất nhất tuân lệnh . Wiester đã từng đưa biết bao văn nghệ sĩ vào nhà giam bằng nghiệp vụ nghe lén . Nhưng qua quá trình theo dõi cuộc sống và thái độ trước cuộc sống của Dreyman , Wiester dần dần tự diễn biến , tự chuyển hóa ...trở thành người tử tế ! Cấp trên của ông ta đã lường trước được việc nầy nên đã cấm ông ta gần gủi tiếp cận với Dreyman . Nhưng không ngờ người máy lạnh lùng , khắc bạc vô cảm đã dần dần được chuyển hóa thành con người đúng nghĩa NGƯỜI (viết hoa) nhờ vào tính nhân văn , lòng yêu thương và nếp sống lương thiện của Georg Dreyman .

  - Và cuối cùng là cách thi ân và cách báo đáp trọng ân đều âm thầm lặng lẽ , không tính toán so đo ... 
     Thì ra  "CHỈ CÓ SỰ HIỂU BIẾT MỚI GỢI SỰ HIỂU BIẾT VÀ CHỈ CÓ TÌNH YÊU MỚI GỢI ĐƯỢC TÌNH YÊU " !

  
                                             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét