Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

NGHĨ VỀ TRIẾT LÝ HÀNH ĐỘNG CỦA BÀ AUNG SAN SUU KYI

   
     
         
     Bà Aung San Suu Kyi - nhà đấu tranh chính trị kiệt xuất của đất nước Miến Điện - đã đấu tranh không mệt mõi cho tự do , dân chủ suốt 20 năm - đã đạt được thắng lợi vinh quang và ngọt ngào êm thắm !Triết lý hành động của bà được gói gọn  trong câu nói : "  Chỉ có sự sợ hãi mới là nhà tù thật sự và chỉ có tự do  thật sự khi giải phóng được sự sợ hãi " ( The only real prison is fear and the only real freedom is freedom from fear)

    Dưới ánh sáng của triết lý Phật giáo , bà San Suu Kyi đã trang bị cho mình một tư duy chân xác về nguyên nhân gây ra thảm hoạ cho con người . Trước sự nô lệ của con người , thảm hoạ bắt đầu từ  sự sợ hãi của chính con người . Sự sợ hãi tạo ra một nhà tù ảo giác cho  chính mỗi cá nhân , mỗi công dân trong một chế độ độc tài .Và , chỉ khi nào giải thoát được nỗi sợ hãi đó mới có tự do thật sự .
  Nói thì dễ mà làm thì không dễ . Làm thế nào có thể vượt thoát nỗi sợ hãi đã trở thành thâm căn cố đế . Sợ hãi thuộc về chủng tử bản hữu , tiên thiên trong mỗi con người . Khi sinh ra là đã biết sợ hãi . Vấn đề đặt ra là mỗi cá nhân phải tự đấu tranh để vượt thoát khỏi bản năng cố hữu đó . Càng sống càng va chạm với cuộc đời , với xã hội , càng nẩy sinh bao nỗi sợ hãi dưới nhiều hình thức khác nhau . Nếu chẳng may sống trong một xã hội đảo điên , một thể chế chính trị hà khắc thì nỗi sợ hãi sẽ trở nên luỹ thừa .
   Thế nhưng , nguyên nhân nào gây ra thảm hoạ sợ hãi ? Nguyên nhân gây ra mọi thảm hoạ chính là vô minh . Đối trị với vô minh là chánh kiến , chánh tư duy . Bà Aung San Suu Kyi đã tư duy về sự sợ hãi từ tứ diệu đế ( 4 chân lý vi diệu về thực tại ) của nhà Phật . Sau khi thành Phật , Đức Thích Ca đã rời gốc bồ đề , đến vườn Lộc Uyển để thuyết pháp cho 5 anh em Kiều Trần Như  về bốn chân lý vi diệu nầy . Đây là bài thuyết pháp đầu tiên của Ngài . Bốn chân lý ấy là khổ - tập - diệt - đạo.  
   Khổ : hiện trạng thực tế của kiếp người
  Tập : nguyên nhân gây ra đau khổ
  Diệt :trạng thái được giải thoát sau khi hết khổ 
  Đạo :con đường , phương pháp tu tập để được giải thoát .
       Riêng về chân lý thứ nhất ( khổ đế ) , Đức Phật dẫn ra các  hình thái khổ đau của kiếp người : Sinh khổ , lão khổ , bệnh khổ , tử khổ , cầu bất đắc khổ , ái biệt ly khổ ,  oán tắng hội khổ .
     Bà San Suu Kyi với tư cách là nhà hoạt động xã hội , nhìn cuộc đời bằng con mắt thương cảm và tấm lòng trắc ẩn cho rằng : " Bất cứ nỗi khổ nào bị bỏ qua thì nơi đó có mầm mống xung đột . Bởi vì nỗi khổ sẽ làm cho con người sa đoạ , thù hận và bạo hành " .Một xã hội có nhiều hận thù và bạo hành sẽ gây ra biết bao nỗi sợ hãi . Con người ta sợ hãi trước cái chết đã đành , mà cả trong lúc sống cũng nơm nớp lo sợ đủ điều :  Sợ giả , sợ bệnh , sợ nghèo , sợ mất việc ,...Vậy làm thế nào để đối trị với nỗi sợ hãi để thoát ra khỏi nó ? Nhà Phật đề cao hạnh vô uý (không sợ hãi ). Một trong những nỗi sợ khủng khiếp nhất là sợ tù tội , mất tự do . Bà San Suu Kyi cho rằng không có nhà tù thật sự mà chỉ có sự sợ hãi mới là nhà tù thật sự ; và chỉ có tự do  thật sự khi giải phóng được sự sợ hãi . Sợ hãi là nhà tù ảo ảnh khiến con người bị nô lệ chính mình . Trước sự nô lệ của con người đòi hỏi mỗi chúng ta phải đấu tranh với chính mình , phải tu tâm rèn chí , phải kiên định chí khí để thoát khỏi sợ hãi . Một trong những thuộc tính của hạnh vô uý là sự can trường dũng lược . Nhật Bản là một dân tộc can cường với truyền thống võ sĩ đạo . Sau chiến tranh thế giới , Nhật Bản được vực dậy một cách nhanh chóng là nhờ triết lý nhân- trí - dũng . Việt Nam ta  vào thời Lý cũng đề cao bi- trí - dũng . Bi , trí , dũng có mặt đồng thời , tương liên , tương tác trong một con người toàn diện . Bi , trí , dũng chẳng phải là ba thành phần đối nghịch tách bạch ; mà là ba mặt của cùng một thực tại : Trí chỉ là trí khi nào có bi và dũng đi cùng . Bi đích thực  là bi khi được trí soi sáng và dũng trợ lực . Dũng đúng là dũng khi có sự điều hướng của bi và trí .
Vì vậy , người được mệnh danh là trí thức chính là con người có lòng trắc ẩn , đồng thời có can đảm đứng lên tranh đấu cho sự thật mà lòng không bị ngăn ngại bởi sợ hãi ;dù cho có gặp nguy hiểm cho bản thân vẫn không bị thối chuyển ;  quyết tâm thực hiện chí nguyện giúp người cứu đời .
        Con người sỡ dĩ sợ hãi vì do có nhiều chướng ngại , chấp trước : chấp thủ , chấp hữu , chấp danh , chấp ngã . Trong kinh Tinh yếu Bát Nhã Ba La Mật Đa ,  Bồ Tát Quán Tự Tại trao cho con người một món quà quý giá - đó là món quà vô uý . Sợ hãi , hận thù , bạo hành là sản phẩm của ảo giác,vọng tưởng , điên đảo do tri giác sai lầm gây ra . Ví dụ do nhận thức sai lệch về lẽ sống chết ( sanh , diệt ) cho rằng chết là hết  nên thường sợ hãi hốt hoảng trước cái chết .Thật ra , bản thể của sự sống là chuyển biến từ dạng thức nầy sang dạng thức khác - chứ không sinh mà cũng chẳng diệt . Nếu có cái nhìn chánh kiến , chánh tư duy về bản chất đích thực của sự sống thì sẽ an nhiên trước lẽ sống chết .
   Sự sợ hãi là gánh nặng đeo đẳng đè nặng lên cả kiếp người từ khi sinh ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay . Khi quán chiếu thật sâu vào Bát Nhã Ba La Mật , Bồ tát Quán Tự Tại soi thấy năm uẩn đều không có tự tính ( do duyên mà sinh ) . Ngài tuyên thuyết  : " Nếu nương tựa vào pháp vi diệu thì trong lòng không còn chướng ngại . Tâm không chướng ngại nên không sợ hãi và vì  không sợ hãi nên tránh xa được điên đảo mộng tưởng " ( Tâm vô quán ngại cố , vô hữu khủng bố , viễn ly điên đảo mộng tưởng ) .
  Thì ra , con người sợ hãi vì do chấp hữu , chấp danh , ...; do vô minh cố chấp . Con người vô sự mới đích thị là con người tự do . Và chỉ khi nào phá hết chấp , giải thoát ra khỏi sợ hãi thì khi ấy mới có tự do thật sự .
   Phật giáo là quốc giáo của Miến Điện . Bà San Suu Kyi là Phật tử thuần thành của nhà Phật . Chẳng may do cộng nghiệp của cả dân tộc bà phải làm công dân của một đất nước bị cai trị dưới một chế độ độc tài quân phiệt . Bà San Suu Kyi vì lòng trắc ẩn trước dân tình thống khổ cộng với truyền thống yêu nước của gia đình nên đã dấn thân vào con đường đấu tranh cho dân quyền , dân chủ . Dấn thân vào con đường nầy là chấp nhận nguy hiểm kể cả cái chết . Dante - nhà cách mạng dân chủ Pháp ( 1789 ) đã từng cảm khái kêu lên : " Ôi! Mỗi bước tiến của thần tự do là một viên đá để xây mồ "  Bản chất của chế độ độc tài là khủng bố tinh thần dân chúng , gieo rắc sự sợ hãi để dễ bề cai trị . Machiavel - một triết gia cổ vũ cho chế độ độc tài - cho rằng : " Dân chỉ cần làm cho họ sợ chứ không cần làm cho họ thương " .
 
   Suốt 20 năm bị quảng thúc (giam lỏng) tại gia , thường xuyên bị canh gác , giám sát , bà San Suu Kyi vẫn cảm thấy mình là con người tự do . Bà vẫn tiếp tục đấu tranh không mệt mõi  dưới hình thức bất bạo động . Chí khí cương liệt của bà đã có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến quần chúng đấu tranh .

   
        Suy cho cùng , triết lý và hành động bao giờ cũng có một khoảng cách nhất định . Hành động mà không nương tựa vào một nguyên tắc có tính triết lý là một ý chí mù quáng .Bà San Suu Kyi vừa hành động vừa có tư tưởng triết lý hướng dẫn hành động . Trước một tình trạng xã hội nhiễu loạn , sa đoạ , thù hận , bạo hành ,...gieo rắc muôn vàn sợ hãi ; bà đã tự trấn an mình và vỗ an quần chúng bằng con đường thoát khỏi sợ hãi . " Và , chỉ có tự do thật sự khi giải phóng được nỗi sợ hãi " (  Aung San Suu Kyi )

1 nhận xét:

  1. Về tư tưởng, San Suu Kyi (SSK) đi chung trong đường hướng của Tuyên Ngôn LHQ về nhân quyền; trong đó, không sợ hãi là một quyền chính. Ý niệm nầy đã được nêu khi thế chiến 2 đã bước vô năm thứ ba. Đồng minh nêu ra bốn muc tiêu: tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do không sợ hãi, tự do không bị nhu cầu bức bách. Sau chiến tranh, không biết ba đồng minh kia thì sao (Nga, Anh, Pháp), riêng Mỹ thì Roosevelt đã đưa bốn điểm nầy lên chính sách nội bộ căn bản
    Một phụ nữ khác như SSK đã có công rất lớn trong việc thành hình tuyên ngôn nhân quyền LHQ 1948, đó là bà Roosevelt. Nêu lên chút lịch sử không nghĩa làm mất giá trị của SSK, trái lại còn cho thấy bà đã quan niệm đúng vấn đề.
    Trong khung cảnh riêng của Miến, sợ hãi còn cấp thiết hơn, 25 quân phiệt được tiếp nối bởi đồ đệ của Ne Win, một cách tàn bạo hơn, có phương pháp hơn.
    Sự phân tích triết lý của tác giả cần thiết để làm chiều sâu cho những cải cách chính trị nhẳm phát triện tự do không sợ hãi.
    Nếu nhìn Miến Điện theo chiều sâu của nền móng xã hội, thì nó sản xuất một người như SSK là chuyện dĩ nhiên, không chóng thì chầy. Điều nầy giúp thêm nghị lực tạm tránh né sợ hãi trong khi trông ngóng.
    Ở một điểm khác Miến Điện đã cung cấp một trong bát chánh đạo là chánh mạng cho Schumacher thiết lập một đường lối suy tư mới về kinh tế. Tuy là một tiếng nói nhỏ nhoi, cuốn Buddhist Economics làm người ta suy nghĩ tiêu chuẩn sống không chỉ gồm thức ăn, phương tiện giao tông v.v... mà là sự an lạc. Từ đó phát sinh danh từ tổng gộp chỉ số an lạc bên cạnh tổng gộp chỉ số sản xuất (gross national happiness - gross national product). Các nước Bhutan, Nepal, Thái đẩy mạnh nghiên cứu điểm nầy. Cơ duyên của Schumacher là ông làm việc ở Rangoon cho cơ quan phát triên của LHQ.
    Điểm nhỏ khác. Trong cuộc cách mạng pháp 1789, có một Danton bị các phe quá kích cho lên máy chém. Trong văn chương ý có một Dante nổi tiếng vỉ cuốn Divine Comedy. Nếu đả tự viên không chú ý, xin đính chính. Nếu không xin thứ lỗi. Vô cùng biết ơn

    Trả lờiXóa