Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

Khát vọng làm người

         
                             
                 Tập tễnh làm thơ tập tễnh yêu 
                 Tập tễnh sương mai đến nắng chiều
                 Tập tễnh cả đời còn tập tễnh 
                 Tập tễnh làm người tập tễnh yêu .( Nguyên Âm )

  Làm người thì ai cũng  muốn nhưng muốn hoàn thiện nhân cách đích thực của một con người đúng nghĩa NGƯỜI  ( viết hoa ) thì phải dày công thực tập chuyển hóa dần dần . Trước khi trở thành một chức danh gì đó phải là con người đúng nghĩa . Làm gì cũng được - làm chính khách , làm nhà doanh nghiệp , kỹ sư , bác sĩ ...hay làm một dân thường- nhưng trước hết phải làm người cho ra người . Khổng Tử từng dạy : " làm người khó lắm " . Bài thơ " Tập tễnh " của Nguyên Âm nói lên khát vọng của một con người như thế .
   Bài thơ làm cho người viết nhớ đến quẻ " vị tế " trong kinh dịch . Vị tế là chưa xong : vạn sự trên đời đều là chưa xong . Chính vì chưa xong nên còn phải tiếp tục , cố gắng làm cho xong . Cái chết đến với con người giữa lúc công việc còn dang dỡ , thậm chí có ngừơi chết khi chưa ăn xong bửa cơm . Không ai bảo chắc rằng mình làm xong mọi việc trước khi nhắm mắt . Vì không có gì gọi là xong nên mọi việc trên đời đều phải bắt đầu trở lại và cứ thế tập tễnh mày mò , thực tập . Cái tứ của bài thơ là khát vọng hoàn thiện , hoàn mãn cái đạo làm người nhưng đây không chỉ đơn thuần khát vọng suông mà còn thực hành liên tục , bền bĩ mỗi ngày từ sớm mai cho đến chiều tà .
                    Tập tễnh làm thơ tập tễnh yêu 
                     Tập tễnh sương mai đến nắng chiều 
Chủ thể trữ tình của bài thơ thiên về khuynh hướng hành động , thực tập hơn là lý trí biện giải . Khuynh hướng lý trí làm cho  chúng ta tiêu hao khá nhiều thời giờ vào việc học hỏi , thu nạp kiến thức , bình luận phê phán .Học nhiều biết nhiều mà không thực hành chẳng khác gì thuộc lòng sách nấu ăn mà không bao giờ xuống bếp . Hai chữ tập tễnh ở đầu mỗi câu thơ như muốn nói lên tính thực hành liên tục , bất tận trên cuộc hành trình tiến tới con người đích thực . Nhưng sao phải tập làm thơ ? Phải chăng là cho dù có là thi hào thi bá ...hoặc đã để lại cho đời cả một núi thơ thì chắc gì đã bay vào không gian vô tận . Thơ đưa ta bay lên bằng đôi cánh của vần điệu . Mộng ước của thi nhân là bay lên thật cao , lánh cuộc hồng trần , xa vòng tục lụy .Đó là khát vọng thăng hoa .Sống là là trên mặt đất ( terre à terre )thì thật là chán . Thi sĩ Tản Đà có lần muốn lên trăng vì trần thế em nay chán nửa rồi nhưng muốn bay thật cao phải biết rũ bỏ những hệ lụy , triền phược của cuộc đời đa đoan . Hàng ngày phải sống cuộc đời khinh an , buông bỏ . Tập làm thơ tức là tập thăng hoa vì  cuộc sống vốn dĩ có quá nhiều đeo mang , ràng buộc .
    Ngoài tập tễnh làm thơ còn phải tập tễnh yêu . Không nhất thiết là tình yêu đôi lứa  .Tập yêu là tập trải lòng mình trước cái đẹp , tập cho con tim biết rung động đúng lúc .Tình yêu làm cho cuộc đời vui tươi , ấm áp .Không có tình yêu cuộc đời sẽ băng giá . Con người vốn là giống hữu tình nhưng vì vật dụng , tham lam...đã trở nên vô tình .
                 Giang hà nhật hạ nhân ô trọc 
                 Thiên hạ lô trung thục hữu tình 
Sông nước mỗi ngày mỗi cạn , người người đều ô trọc . Trong cái lò của trời đất , ai là giống hữu tình đây ? Thi sĩ vốn dĩ đa tình .Yêu rất nhiều nhưng độc chiếm chẳng bao nhiêu. Khác với kẻ quyền uy trọc phú , vợ quá nhiều nhưng chẳng biết yêu ai . Có một câu đối treo trước thiền phòng đáng được suy ngẫm :
                          Bất tục tất tiên cốt 
                          Đa tình thị Phật tâm 
               ( không tục là cốt tiên , đa tình là tâm phật )  .
     Tình yêu là năng lượng được chế tác từ lòng bi mẫn đối với vạn vật .Tình yêu làm cho con  người chìm đắm vấy bùn được gọi tên là bể ái . Còn tình yêu chắp cánh cho con người bay vào không gian vô tận được gọi là đại bi .
  Khó khăn lắm mới hóa được kiếp người . Thế mà khi chào đời lại cất tiếng khóc oa oa . Ấy là vì con người rồi ra sẽ không biết thực tập chuyển hóa , không biết chế tác năng lượng tình yêu bằng chất liệu từ . Vậy phải sống làm sao để khi chết không khóc mà cười .
                    Sống sao khi chết khóc - cười đổi ngôi ( Nguyên Âm )
    Có lẽ phải thực tập cả một đời người mới có được cái chết khinh an như vậy .
                   Tập tễnh cả đời còn tập tễnh 
                   Tập tễnh làm người tập tễnh yêu 
 Bài thơ có cái âm điệu hối hả khẩn trương vì e rằng không còn thời gian tập tễnh . Cả bài thơ xoay quanh ba động từ chỉ động thái : làm thơ , yêu , làm người . Ở mỗi đầu câu thơ là hai từ tập tễnh . Hình thức kết cấu và nghệ thuật ngôn từ nói lên khát vọng làm người trên con đường thực tập , thể nghiệm , kinh qua .nếm trải...thậm chí có khi phải hứng chịu bao nỗi trần phiền .

 Sống phải biết thăng hoa , phải biết nhìn đời bằng con mắt thương ( thay vì mắt xanh xét nét ). Sống như vậy may ra mới sống được cuộc đời của một con người đích thực . Ước mơ này dẫu gửi phía chân trời  nhưng mãi mãi vẫn là mơ ước muôn đời của con người nghìn thuở hướng vươn lên .

   

3 nhận xét:

  1. Bài thơ thật ý vị , Bài phân tích cũng rất sâu sắc . Cảm ơn tác giả đã cho chúng tôi được đọc một bài viết giá trị .

    Trả lờiXóa
  2. Bài thơ Rất hay, người bình thơ có kiến thức sâu sắc,trải nghiệm cuộc đời cũng đã lắm thăng trầm.Nhưng để chia sẻ ,và hiểu dược những ý trên cũng kén người lắm đa.

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn hai bạn Xuân Huyên và Đức Sơn .Đúng là ' đồng thanh tương ứng , đồng khí tương cầu ' . Những lời chia sẻ của các bạn là một niềm vui cho người viết vậy .

    Trả lờiXóa